Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình ổn giá và ưu đãi tín dụng: Bước đệm để HTX nông nghiệp miền núi vượt khó

Hiếu Anh - 20:42, 24/04/2020

Lâu nay, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở miền núi vốn đã gặp nhiều khó khăn do các rào cản về vị trí địa lý và tiếp cận thông tin. Trong đại dịch Covid-19, đây cũng là nhóm đối tượng bị tổn thương nhất.

Gà thương phẩm của HTX Huỳnh Minh đến thời gian xuất chuồng nhưng không bán được.
Gà thương phẩm của HTX Huỳnh Minh đến thời gian xuất chuồng nhưng không bán được.

Lao đao trong mùa dịch

HTX A Cao, ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La) được thành lập từ năm 2018, với 12 thành viên. Ngay từ đầu năm 2020, HTX đã gặp phải khó khăn khi gần như 100% diện tích chanh leo của HTX bị nhiễm bệnh buộc phải chặt bỏ.

Khó khăn chưa kịp qua đi thì trong tháng 3, tháng 4, HTX lại phải đối diện với dịch Covid-19. Toàn bộ diện tích trồng đào quả đến thời điểm thu hoạch nhưng không biết bán đi đâu do các xe tải vận tải ngừng hoạt động.

Ông Tráng A Cao, Giám đốc HTX A Cao cho biết: “Hiện HTX chỉ còn trông chờ vào số diện tích mận còn sót lại và rau xanh chuẩn bị thu hoạch. Thế nhưng, nếu dịch bệnh kéo dài thì không biết tương lai sẽ đi về đâu”.

Cùng hoàn cảnh, HTX Huỳnh Minh, ở thôn Ngần Hạ, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang (Hà Giang) đã gặp phải cú sốc quá lớn từ dịch bệnh. Từ đầu tháng 3/2020 đến nay, HTX Huỳnh Minh bí cả đầu ra lẫn đầu vào.

Theo ông Phạm Thế Huỳnh, Giám đốc HTX Huỳnh Minh, do dịch bệnh phức tạp nên quá trình vận chuyển bị ngưng trệ. Theo đó, hai mặt hàng chủ yếu của HTX là cá và gà rất khó tiêu thụ; việc vận chuyển vật tư chăn nuôi cũng khó khăn. Các thị trường truyền thống của HTX ở Hà Nội, TP. Hà Giang bị đóng băng.

“Hiện nay, đàn gà hơn 500 con, cùng cá thương phẩm của HTX đến thời kỳ thu hoạch nhưng không bán được. Toàn bộ công nhân của HTX đã phải nghỉ làm, không biết khi nào mới hoạt động trở lại”, ông Huỳnh cho hay.

Cần có chính sách hỗ trợ

Đề xuất giải pháp phục hồi HTX sau dịch Covid-19, cả ông Tráng A Cao và ông Phạm Thế Huỳnh bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp. Ngoài ra, một giải pháp nữa cần được tính tới, là các ưu đãi về chính sách tín dụng.

Ông Tráng A Cao cho biết, hiện HTX của ông nợ hơn 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ. HTX A Cao dự định sẽ trả số tiền này trong năm sau, khi đáo hạn ngân hàng.

Còn ông Phạm Thế Huỳnh cũng đang thế chấp đất đai vay 500 triệu đồng đầu tư vào HTX Huỳnh Minh. Nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài, các HTX ở vùng sâu, vùng xa rất khó có khả năng trả nợ. Do đó, các HTX mong muốn thời gian tới sẽ được giảm lãi suất và giãn thời gian trả nợ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Tùng Thanh, Trưởng ban Kế hoạch hỗ trợ - Liên minh HTX Việt Nam cho biết, hiện Liên minh HTX Việt Nam đã có kiến nghị tới các cấp ngành nhằm hỗ trợ cho các HTX nói chung và HTX ở miền núi nói riêng các chương trình, chính sách phục hồi sau dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các HTX ở cơ sở như tư vấn, xây dựng mô hình, cung cấp thông tin…

“Tuy nhiên, để sự hỗ trợ được kịp thời, sát thực, thời gian tới chính quyền ở cơ sở cần nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của các HTX, từ đó lồng ghép các chính sách một cách linh động, phù hợp. Có như vậy, các HTX mới phục hồi một cách nhanh chóng, giảm bớt các thiệt hại không đáng có”, ông Thanh cho biết.