Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Định: Thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán

T.Nhân - 13:27, 19/07/2023

Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Bình Định diễn biến khá phức tạp, nắng nóng kéo dài gây tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, ưu tiên bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, lượng mưa toàn tỉnh thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), cụ thể đạt khoảng 275 mm, đạt 96% so với TBNN lũy kế (287 mm). Từ đầu tháng 5 đến nay, lượng mưa trung bình 74 mm, đạt 56% so với TBNN (132 mm); trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất 36 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C và độ ẩm tương đối thấp nhất 45 - 55%. Lượng mưa ít, kết hợp tình hình nắng nóng đã làm tăng lượng bốc hơi nước trên các mặt hồ chứa, gây giảm nhanh dung tích nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngành chức năng tập trung triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán. (Ảnh minh họa)
Tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngành chức năng tập trung triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán. (Ảnh minh họa)

Qua kết quả thống kê, toàn tỉnh hiện có 164 hồ chứa có dung tích từ 50 ngàn m3 trở lên, đến cuối tháng 5 dung tích các hồ khoảng 461/682 triệu m3, đạt 67,6% dung tích thiết kế, bằng 89% so với cùng kỳ và có 20 hồ chứa đã cạn nước. Trong đó, dung tích một số hồ chứa lớn còn lại là: Hồ Định Bình 159,2/226,3 triệu m3, đạt 70,3% thiết kế; Núi Một 76,8/110 triệu m3, đạt 69,8% thiết kế; Đồng Mít 60,4/89,8 triệu m3, đạt 67,2%; Hội Sơn 33,8/44,5 triệu m3, đạt 76% thiết kế; Thuận Ninh 25,6/35,4 triệu m3, đạt 72,4% thiết kế; Vạn Hội 10,8/14,5 triệu m3, đạt 74,6% thiết kế.

Với diễn biến tình hình thời tiết như hiện nay, sẽ gây nguy cơ thiếu nước cục bộ tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, các huyện có địa hình cao so với mực nước biển như Tây Sơn, Hoài Ân... Nắng nóng kéo dài khiến tình trạng xâm nhập mặn cũng đã xảy ra tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn.

Để chủ động ứng phó, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Bình Định đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp tích trữ, sử dụng nước có hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng phải ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc, gia cầm và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Chỉ thị về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, nguồn nước, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, phổ biến đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động ứng phó; tính toán cân bằng nước cho mỗi hồ chứa lớn, mỗi hệ thống thủy lợi để xác định khả năng cung cấp nước; xây dựng phương án ứng phó hạn; kế hoạch điều tiết nước, chuyển nước, phân phối nước vào hệ thống bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt vụ Hè và vụ Thu năm 2023.