Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Định: Nguy cơ lây lan dịch cúm H5N6 do người dân tự xử lý xác gia cầm

PV - 13:36, 20/11/2018

Mặc dù tỉnh Bình Định, chưa phát hiện dịch cúm gia cầm H5N6. Tuy nhiên, dịch bệnh này có nguy cơ xâm nhập rất cao do nhiều địa phương bên cạnh đã bị nhiễm dịch. Bên cạnh đó, người dân vẫn còn rất chủ quan với loại dịch này.

Người dân chủ quan

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định cho biết, trước tình trạng dịch cúm gia cầm (DCGC) bùng phát nhiều nơi trong cả nước, không ít người chăn nuôi ở Bình Định vẫn chưa hiểu biết về sự nguy hiểm của DCGC H5N6 nên còn chủ quan lơ là trong việc phòng, chống dịch. Khi phát hiện gia cầm có hiện tượng lạ hoặc nghi bị nhiễm bệnh, một số hộ không báo cáo với ngành chức năng mà tự chữa trị bằng những biện pháp dân gian, hoặc tự giết mổ để bán. Cũng có một số trường hợp vứt xác gia cầm xuống sông, suối, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, thời điểm này, người chăn nuôi ở các địa phương đang tập trung tái đàn để phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm cuối năm. Đây cũng là thời điểm, thời tiết bước sang mùa mưa, nhiệt độ thấp, sức đề kháng của vật nuôi giảm, thuận lợi để các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm phát sinh.

H5N1 Các ngành chức năng tỉnh Bình Định tiến hành phun thuốc khử trùng chuồng trại cho người dân.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm gia cầm trên thị trường tăng cao, thị trường tiêu thụ thoáng hơn sẽ dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt tràn lan, vi-rút các loại dịch bệnh có nguy cơ xâm nhiễm vào đàn gia cầm của tỉnh là không thể tránh khỏi.

Đáng lo ngại là DCGC H5N6 đã xuất hiện ở một số tỉnh, thành trong nước, trong đó có tỉnh Phú Yên, địa phương giáp ranh với tỉnh Bình Định nên nguy cơ dịch bệnh lây lan rất cao. Vi-rút gây ra DCGC H5N6 không những làm cho đàn gia cầm bị chết nhanh mà còn có khả năng lây nhiễm và tác động xấu đến sức khỏe con người.

Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống DCGC H5N6. Tỉnh cũng đã hỗ trợ nhiều loại vắc-xin, thuốc khử độc sát trùng, yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương củng cố lực lượng thú y ở cơ sở; tổ chức phát động đồng loạt ra quân tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm, đảm bảo mục tiêu nhanh gọn, đúng tiến độ, hiệu quả.

Triển khai nhiều biện pháp

Trước tình hình DCGC diễn biến phức tạp, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã chủ động tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn về công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm. Với các hộ kinh doanh buôn bán, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm, ngành chuyên môn đã cắt cử lực lượng thường xuyên theo dõi, nắm tình hình để chủ động phát hiện nhanh, xử lý sớm khi có dịch xảy ra.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định, cho biết: Nhằm phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả cho đàn gia cầm, bên cạnh việc hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng phương pháp an toàn sinh học, Chi cục đã đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm. Toàn tỉnh đã thực hiện 2 đợt tiêm gần 5,2 triệu liều vắc-xin phòng DCGC cho gần 3,9 triệu con gà và vịt; đồng thời phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi sau khi tiêm phòng. Công tác kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển động vật ra vào tỉnh cũng được tăng cường. Chi cục còn thường xuyên lấy mẫu huyết thanh của đàn gia cầm tại các địa phương trong tỉnh gửi xét nghiệm tại cơ quan Thú y vùng IV Đà Nẵng, nhằm phát hiện và chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, để công tác phòng chống dịch H5N6 đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành thú y, chính quyền và người chăn nuôi cần đặc biệt quan tâm, nhất điểm hiện nay. Người dân cần đăng ký, kê khai đàn gia cầm để vừa phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi tốt hơn, vừa có cơ sở pháp lý xác định vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã có văn bản, yêu cầu trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho các phòng chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống DCGC. Hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, tăng cường các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

“Bên cạnh đó, chúng tôi đang tăng cường kiểm soát vịt có xuất xứ từ phía Nam đưa về địa phương. Đối với vịt chạy đồng, buộc phải có đăng ký kiểm dịch; vịt đã kiểm dịch muốn được cấp phép vận chuyển thì phải được tiêm phòng. Sau đó tập trung giám sát xem đàn vịt miễn dịch chưa, nếu chưa thì có biện pháp tiếp theo”, ông Nguyễn Văn Quốc cho biết thêm.

PHƯƠNG LÊ