Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Định: Khánh thành tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn đến ven đầm Thị Nại

T.Nhân-N.Triều - 12:46, 19/04/2025

Ngày 19/4, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ khánh thành tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại. Đây là công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Lễ Khánh thành tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn đến ven đầm Thị Nại
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Lễ Khánh thành tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn đến ven đầm Thị Nại

Dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3758/QĐ-UBND ngày 10/9/2021. Điểm đầu tuyến giao Quốc lộ 1 tại Km1210+940 và đường Lê Hồng Phong kéo dài (phường Bình Định, TX An Nhơn), điểm cuối giao với đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại đoạn Cát Tiến - Diêm Vân tại Km7+508 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước).

Tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại, có chiều dài khoảng 9,4km, đi qua địa bàn phường Bình Định (TX.An Nhơn) và các xã Phước Hưng, Phước Quang, Phước Hiệp, Phước Sơn (huyện Tuy Phước). Tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h; nền đường rộng 22m, mặt đường bê tông nhựa rộng 19m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Các đại biểu cắt băng Khánh thành tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn đến ven đầm Thị Nại
Các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn đến ven đầm Thị Nại

Tổng mức đầu tư 1.043,639 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 680 tỷ đồng, phần còn lại do ngân sách tỉnh bố trí. Công trình được khởi công vào tháng 3/2022 và hoàn thành sau hơn 3 năm thi công. Trong quá trình thực hiện, Dự án gặp nhiều khó khăn, nhất là vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương cùng nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu, Dự án đã được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng kỹ thuật.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đây là tuyến giao thông chiến lược, có vai trò rất quan trọng kết nối thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước theo hướng Đông – Tây, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính liên vùng An Nhơn, Tuy Phước và khu vực phía Bắc thành phố Quy Nhơn; mở rộng không gian phát triển về phía Tây đầm Thị Nại; tạo điều kiện giao thương kết nối giữa đô thị An Nhơn, huyện Tuy Phước và các vùng lân cận được thuận lợi; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo công tác cứu hộ thiên tai, nhiệm vụ quốc phòng an ninh của các địa phương nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung.

Tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn đến ven đầm Thị Nại có chiều dài 9,4 km, tổng vốn đầu tư hơn 1000 tỷ đồng
Tuyến đường kết nối trung tâm thị xã An Nhơn đến ven đầm Thị Nại có chiều dài 9,4km, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng

“Việc công trình này được chọn cùng với Bộ Xây dựng để tổ chức Lễ khánh thành trực tuyến đồng thời cùng với các dự án quy mô lớn, tầm cỡ quốc gia trên cả nước để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cho thấy ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình này, cũng như niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bình Định được tham gia đóng góp cho sự kiện trọng đại của đất nước, góp phần đưa đất nước phát triển, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Thay đổi “nếp nghĩ cách làm” nhờ Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đi vào chặng đường cuối của giai đoạn 1. Cùng với những thay đổi to lớn về kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều bước chuyển đáng mừng. Đặc biệt, với trợ lực từ Chương trình MTQG 1719, đã có nhiều thay đổi trong “nếp nghĩ cách làm” của đại bộ phận đồng bào DTTS và miền núi.