Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bình Định: Chủ động phòng ngừa nguy cơ sạt lở đất, đá ở miền núi

PV - 15:04, 12/11/2018

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định, các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và Hoài Ân là những địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng lũ quét, sạt lở đất khi có mưa lũ lớn.

Tại huyện Vĩnh Thạnh, có khoảng 30 điểm có nguy cơ sạt lở đất, đặc biệt là trên tuyến đường tránh ven hồ Định Bình từ xã Vĩnh Hảo đi về các xã Vĩnh Kim và Vĩnh Sơn. Đoạn đường dài hơn 35km này có đến hơn 20 điểm có khả năng sạt lở nặng, nhất là đoạn qua khu vực đèo Vĩnh Sơn. Ngoài ra, một số điểm ở thôn O3 hoặc Đăk Tra (xã Vĩnh Kim) cũng nằm trong diện có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến khu dân cư.

sạt lở Nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi tỉnh Bình Định có nguy cơ bị vùi lấp do sạt lở núi vào mùa mưa.

Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Do đặc điểm của địa hình miền núi, năm nào Vĩnh Thạnh cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống và việc đi lại của người dân. Đến thời điểm này, trên địa bàn ít mưa nhưng tuyến đường liên xã từ thôn O5 về thôn Kon Trú (xã Vĩnh Kim) đã xuất hiện 2 điểm sạt lở với khối lượng đất đá, cây cối vùi lấp gần 100m3, gây chia cắt giao thông. Huyện đã nhanh chóng chỉ đạo xã huy động phương tiện, nhân công tổ chức thu dọn đất đá, cây cối đổ xuống đường, tạo điều kiện cho người dân đi lại.

Cũng theo ông Lê Văn Đẩu, trước thực tế về thổ nhưỡng, khí hậu diễn biến cực đoan, Vĩnh Thạnh đã thành lập các tổ, đội xung kích PCTT&TKCN sẵn sàng ứng phó; đồng thời, bố trí phương tiện và nhân lực túc trực để xử lý sự cố xảy ra; dự trữ sẵn sàng một số lương thực, thực phẩm thiết yếu với phương châm tuyệt đối không để người dân đói, rét.

“Riêng tuyến đường tránh ven hồ Định Bình về xã Vĩnh Sơn, huyện đã yêu cầu, các nhà máy thủy điện khơi thông hệ thống rãnh thoát nước dọc đường. Đối với các khu dân cư nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nhất là Vĩnh Kim, huyện đã chỉ đạo xã lên phương án di dời dân tới những nơi an toàn khi có mưa lũ lớn xảy ra”, ông Đẩu cho biết thêm.

Tại huyện An Lão, cũng có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở núi. Theo đó, điểm sạt lở núi lớn nhất là ở thôn Trà Cong, xã An Hòa. Hiện nay, 50 hộ dân sinh sống tại đây đang rất lo lắng, bởi phía trên khu dân cư là các tảng đá đa phần bị rỗng chân, nhiều khả năng sẽ lăn xuống khi mưa lớn xảy ra. Ngoài ra, tuyến đường độc đạo từ xã An Hòa đi các xã An Nghĩa, An Toàn cũng nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cao. Mùa mưa lũ năm 2017, đoạn đường này đã xảy ra 5-7 điểm sạt lở với hàng ngàn m3 đất đá, cây cối vùi lấp mặt đường, làm tê liệt giao thông.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão cho hay: Để ổn định đời sống và đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở thôn Trà Cong nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đá, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, hỗ trợ bà con gia cố nhà ở, sẵn sàng di dời khi có tình huống xấu xảy ra. UBND huyện cũng đã có văn bản gửi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đề nghị hỗ trợ địa phương thực hiện việc xử lý, phá dỡ các tảng đá có nguy cơ sạt lở gây nguy hiểm cho khu dân cư trước mùa mưa lũ cao điểm năm nay.

Tương tự, tại huyện Vân Canh, tuyến đường đèo dài 25km từ xã Canh Thuận đến trung tâm xã Canh Liên cũng nằm trong diện “báo động đỏ” về nguy cơ sạt lở núi. Ông Trần Văn Khổ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Canh cho biết: Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ngoài việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên và xây lắp hệ thống rãnh thoát nước, gia cố các mái taluy, xử lý các cầu, cống, ngầm tràn..., huyện Vân Canh cũng chủ động bố trí lực lượng và phương tiện, vật tư thường trực trên tất cả những đoạn xung yếu thường xuyên bị sạt lở để kịp thời xử lý. Đồng thời, tiến hành cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo ở những vị trí nguy hiểm để cảnh báo người tham gia giao thông, nhất là tuyến đường từ xã Canh Thuận về xã Canh Liên.

PHƯƠNG LÊ