Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

“Biệt phủ” trái phép trong di tích danh thắng Ghềnh Ráng: Sai sao không xử lý?

Phương Lê - 11:57, 17/12/2020

Báo Dân tộc và Phát triển số ra ngày 24/11/2020 có bài: “Biệt phủ” trái phép trong di tích danh thắng Ghềnh Ráng, chính quyền không hay biết?. Bài báo phản ánh việc ông Phan Phi Hổ, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định ngang nhiên xây dựng công trình nhà ở kiên cố trái phép trong khu di tích Ghềnh Ráng. Sau khi báo đặng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, kết quả đây là công trình xây dựng không có giấy phép và nằm trong vành đai bảo vệ di tích.

Một số hạng mục ông Phan Phi Hổ xây dựng trái phép
Một số hạng mục ông Phan Phi Hổ xây dựng trái phép

Thắng cảnh Ghềnh Ráng thuộc phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn) đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng tại Quyết định số 2009/ QĐ ngày 15/11/1991. Theo hồ sơ xếp hạng di tích, khu vực khoanh vùng bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng được thể hiện bao gồm toàn bộ khu vực núi Xuân Vân, với các giới cận: Phía Đông giáp biển Quy Nhơn, phía Tây giáp núi Vũng Chua, phía Nam giáp khu điều trị phong Quy Hòa (nay là Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa), phía Bắc giáp bãi biển Ghềnh Ráng và khu dân cư (nay là khu resort Hoàng Gia thuộc phường Ghềnh Ráng). 

Theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Bình Định gửi Cục Di sản Văn hóa, Sở VHTT Bình Định thừa nhận, năm 1991, khi lập hồ sơ xếp hạng di tích, việc đo đạc để lập biên bản, bản đồ khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích chỉ căn cứ vào bình độ của núi Xuân Vân mà không có tọa độ cụ thể.

Năm 2014, UBND tỉnh Bình Định có chủ trương cho phép đầu tư dự án Khu Du lịch Ghềnh Ráng (giai đoạn 2) nay là dự án Khu Du lịch núi Xuân Vân nhằm gắn kết hài hòa với Khu Du lịch giai đoạn 1 hiện có, tạo điểm nhấn để thu hút du khách đến với danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng. Vì thế, Ban Quản lý Di tích tỉnh Bình Định (nay là Bảo tàng tỉnh) chưa tổ chức cắm mốc giới khu vực bảo vệ danh lam thắng cảnh Ghềnh Ráng. 

Được biết, theo hồ sơ di tích năm 1991, danh thắng Ghềnh Ráng có diện tích 50 ha. Tuy nhiên, sau khi đo đạc theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Định về Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu Du lịch núi Xuân Vân, danh thắng này với tổng diện tích 137,37 ha và đã được Bộ VHTTDL có văn bản thỏa thuận tại văn bản số 2294/ BVHTTDL-DSVH ngày 19/6/2020.

Cũng theo báo cáo của Sở VHTT Bình Định, qua kiểm tra hiện trạng, làm việc với ông Phan Phi Hổ, khu đất mà ông xây dựng “biệt phủ” nằm ở vị trí phía Đông Nam chân núi Xuân Vân, tiếp giáp với Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Tuy nhiên, ông Phan Phi Hổ lý giải, khu đất này được ông và ông Lê Minh Tài khai hoang từ trước năm 1990 để tăng gia sản xuất và làm nhà ở để phục vụ canh tác, đồng thời xây một số đoạn kè đá nhằm mục đích chống xói lở đất từ thời điểm đó. Năm 2015, ngôi nhà được sửa chữa lại như hiện trạng, tổng diện tích đất ông đang sử dụng là 700 m2 (trong đó có căn nhà cấp 4 khoảng 40 m2).

Vụ việc này, UBND phường Ghềnh Ráng cũng đã mời ông Hổ lên làm việc và yêu cầu ông giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng công trình mới. Khi nào được cấp thẩm quyền cho phép mới được xây dựng. Đề nghị trong vòng một tháng, ông Hổ phải cung cấp đầy đủ hồ sơ khu đất và làm thủ tục xin phép xây dựng theo quy định đối với công trình. Nếu không xin phép được, UBND phường sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt, xử lý theo quy định pháp luật đối với công trình xây dựng không phép.

Căn nhà “cấp 4” xây dựng trái phép của ông Phan Phi Hổ nhìn từ xa
Căn nhà “cấp 4” xây dựng trái phép của ông Phan Phi Hổ nhìn từ xa

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn cho biết: Thành phố đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về tình trạng, nguồn gốc và quá trình sử dụng đất liên quan đến công trình xây dựng của ông Phan Phi Hổ. Thành phố cũng đã yêu cầu UBND phường Ghềnh Ráng mời các ngành, đơn vị liên quan kiểm tra lại để xác lập hồ sơ vi phạm hành chính rồi sau đó báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh để có hướng xử lý.

Như vậy, chính quyền địa phương đã xác nhận công trình xây dựng trên núi Xuân Vân của ông Phan Phi Hổ không có giấy phép xây dựng, nguồn gốc đất là đất rẫy, trong đó có đất lâm nghiệp và đều chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Hơn nữa, việc xây dựng công trình này đã xâm phạm đến di tích. Đề nghị các ngành chức năng tỉnh Bình Định nhanh chóng xử lý dứt điểm công trình này, tránh sự hoài nghi của dư luận về sự “ưu ái” cho nguyên cán bộ của tỉnh.