Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Biến thể Omicron lây lan mạnh ở châu Âu

PV - 10:00, 27/01/2022

Với sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, nhiều nước ở châu Âu đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục trong ngày 26/1. Pháp ghi nhận 428.008 ca; Đức 188.759 ca; Italy 167.206 ca; Tây Ban Nha 133.553 ca; Anh 102.292 ca; Nga 74.692 ca;...

Số ca mắc COVID-19 ở các nước châu Âu liên tục tăng cao trong những ngày qua (Ảnh minh họa: Reuters)
Số ca mắc COVID-19 ở các nước châu Âu liên tục tăng cao trong những ngày qua (Ảnh minh họa: Reuters)

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 27/1 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 3.247.386 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 362.517.591 ca, trong đó 5.643.824 ca tử vong và 286.534.812 ca đã được chữa khỏi.

Với số ca mắc cao liên tục trong nhiều ngày qua, châu Âu trở thành khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (118.758.316 ca), tiếp theo là châu Á (97.056.439 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (86.441.875 ca) và Nam Mỹ (46.856.846 ca). Châu Phi (10.879.237 ca) và châu Đại Dương (2.524.157 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.

Tại châu Âu, với sự lây lan mạnh của biến thể Omicron, nhiều nước ở châu lục này đã ghi nhân số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục trong ngày 26/1. Pháp ghi nhận 428.008 ca; Đức 188.759 ca; Italy 167.206 ca; Tây Ban Nha 133.553 ca; Anh 102.292 ca; Nga 74.692 ca;….

Tuy vậy, bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở châu Âu và thế giới, Đan Mạch và Áo ngày 26/1 đã trở thành những quốc gia mới nhất nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19, sau các quyết định tương tự của Anh, Ireland và Hà Lan. Chính phủ Áo cho biết các biện pháp hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ sẽ kết thúc vào ngày 31/1 tới trong bối cảnh các bệnh viện đã giảm tải áp lực. Trong khi đó, Chính phủ Đan Mạch có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để chống dịch COVID-19, như đeo khẩu trang hay yêu cầu các các quán bar và nhà hàng đóng cửa sớm, từ ngày 1/2 tới.

Tại châu Á, một số quốc gia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao trong 24 giờ qua là: Ấn Độ 284.469 ca; Thổ Nhĩ Kỳ 77.434 ca; Israel 76.155 ca; Nhật Bản 60.933 ca;... Hàn Quốc ngày 26/1 thông báo có thêm 13.012 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 762.983 ca. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp ứng phó nhằm khống chế đà lây lan của biến thể Omicron. Thái Lan sáng 26/1 ghi nhận thêm 7.587 ca mắc mới cùng 19 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.398.944 ca, trong đó có 22.076 người không qua khỏi. Chính phủ Thái Lan đã gia hạn cho tới ngày 31/3 tình trạng khẩn cấp được ban bố sau sự bùng phát của đại dịch COVID-19

Tại châu Mỹ, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới, với 73.880.629 ca. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận số ca mắc mới là 364.351 ca. Tổng số ca tử vong ở nước này là 897.712 ca.

Tại châu Phi, Nam Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong khu vực với 3.590.399 ca. Trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận 4.511 ca mắc mới. Tổng số ca tử vong ở Nam Phi là 94.491 ca.

Tại châu Đại Dương, Australia là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực với 2.342.447 ca, trong đó có 3.312 ca tử vong, 1.265.419 ca đã được chữa khỏi. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 52.554 ca nhiễm mới.

Trong cập nhật tình hình COVID-19 hằng tuần, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trong tuần tính đến ngày 23/1/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 21 triệu ca mắc mới - mức cao nhất tính theo tuần kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên so với tuần trước đó, mức tăng là 5%, và theo WHO, tỷ lệ mắc mới đã tăng chậm hơn trên phạm vi toàn cầu. Cũng trong tuần trước, thế giới ghi nhận thêm gần 50.000 ca tử vong, mức tương đương một tuần trước đó.

Báo cáo cho thấy Omicron tiếp tục "áp đảo" các biến thể đáng quan ngại khác trên phạm vi toàn cầu. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp WHO còn dự báo trong năm nay sẽ có nhiều phương pháp mới điều trị COVID-19 và biến thể tiếp theo của virus SARS-CoV-2 sẽ có khả năng lây lan cao hơn nữa vì chúng phải “vượt mặt” các biến thể đang hoành hành hiện nay. Một điểm đáng lưu ý là phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) mà các nhà khoa học gọi là "Omicron tàng hình" đã xuất hiện ở châu Âu và châu Á, nay bắt đầu "lộ diện" tại Mỹ./.