Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Biến rác thải thành vật dụng có ích

PV - 16:50, 24/07/2018

Để bảo vệ môi trường cũng như góp phần tiết kiệm kinh phí mua sắm thiết bị phục vụ công việc dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Nga, Trường THPT Hùng Vương, huyện Bố Trạch, Quảng Bình đã có những sáng chế biến rác thải thành phân bón hữu cơ và đồ dùng dạy học. Sáng kiến này được phụ huynh, học sinh, các thầy cô giáo đánh giá hiệu quả, ý nghĩa, cần được nhân rộng ở trong các trường học.

Biến rác thải thành vật dụng có ích Từ những chai nhựa vứt đi, cô giáo Nga và học sinh thu gom lại làm thành dàn hoa trang trí cho lớp học.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga cho biết, trong sinh hoạt hàng ngày, hầu như các gia đình đều sử dụng đến những thứ đồ liên quan đến nhựa, sau khi không còn giá trị sử dụng nữa thì vứt bỏ. Thói quen này làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước thực tế này, cô Nga đã nảy ra ý tưởng biến các loại phế liệu như: chai nhựa, vỏ lon, ly nhựa tái chế thành những hộp bút, đèn học, chậu hoa trang trí cho các lớp học. Đồng thời, cô cùng học sinh tổ chức thu gom rác thải trong trường để làm phân hữu cơ, vừa bón cho cây xanh, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Để ý tưởng bảo vệ môi trường thành hiện thực, cô Nga đã trình bày với Ban Giám hiệu nhà trường và được Ban Giám hiệu đồng thuận. Ngay sau đó, phong trào “Đoàn viên, thanh niên Trường THPT Hùng Vương chung tay tái chế rác thải thực vật, nhựa ở trường học và gia đình” đã được khởi xướng.

Để phong trào có sức lan tỏa, cô giáo Nga thí điểm từ phong trào Đoàn của lớp do chính cô chủ nhiệm để phát động triển khai. Theo đó, học sinh được huy động đào hố để ủ rác. Nhóm thì được giao nhiệm vụ đi gom rác thực vật (lá cây, cỏ ở các bồn hoa). Nhóm khác cùng cô Nga đi xin phân bò về để ủ rác. Bên cạnh đó, 3 chiếc thùng lớn được đặt ở cuối dãy phòng học để gom các chai nhựa, vỏ lon. Cô Nga và nhóm học trò cùng nhau cắt những chai nhựa này tạo thành những chiếc chậu để trồng hoa và treo thành từng hàng trước cửa lớp.

Em Nguyễn Thanh Hằng chia sẻ: “Em rất vui khi được chung tay bảo vệ môi trường. Đây là trải nghiệm thú vị nhằm tạo nên kỹ năng sống biết trân trọng, bảo vệ môi trường sống quanh ta. Đây cũng là bài học rèn luyện ý thức lao động và tinh thần trách nhiệm với nhà trường, gia đình và xã hội”.

Cô giáo Phượng, một đồng nghiệp cùng trường Hùng Vương nhận xét: “Giàn hoa của cô giáo Nga và học trò đã tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp cho trường học. Điều quan trọng là các loại rác thải trong trường cũng đã được tái chế trở thành những thứ có giá trị”.

Điều đáng ghi nhận hơn trong việc thực hiện phong trào là đã làm thay đổi ý thức của học sinh. Đến nay, trong Trường Hùng Vương không còn tình trạng vứt rác bừa bãi; lớp học ngày càng sạch, xanh và đẹp. Đặc biệt, rất nhiều phế liệu trở thành những dụng cụ học tập như: hộp đựng bút, đèn mini từ chai nhựa, chậu hoa, chậu cây bằng giấy, bằng chai nhựa để trang trí ở lớp học, góc học tập ở nhà… Ngoài ra mỗi năm, nhà trường đã sản xuất được cơ số phân hữu cơ từ rác để bón cho cây cảnh trong trường, giảm được chi phí chăm sóc…

Cô giáo Cao Thị Phi Phượng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương cho biết: Nhà trường trân trọng ý tưởng và những việc làm của cô Nguyễn Thị Nga, ngoài những giá trị thực tế, còn có ý nghĩa rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh và của cộng đồng để làm cho môi trường sống luôn được đảm bảo. Nhà trường xem đây là ý tưởng sáng tạo cần nhân rộng.

“Trong 185 ý tưởng cùng tranh tài tại cuộc thi xây dựng ý tưởng, đề án thanh niên chung tay bảo vệ môi trường, do Trung ương Đoàn TN cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức, ý tưởng của cô giáo Nguyễn Thị Nga được giải Nhất và được đánh giá cao về tính thực tế để áp dụng trong cuộc sống”, cô giáo Phượng thông tin.

MINH THỨ