Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Biên cương Hà Giang không còn "đói" thông tin

Vũ Đăng Bút - 10:29, 27/06/2023

Những năm qua, “Chương trình hành động nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin ở vùng cao biên giới", do Bộ Văn hóa Thể Thể thao và Du lịch và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ký kết, phối hợp tổ chức đã phát huy hiệu quả. Chương trình đã xây dựng được tủ sách, thư viện biên phòng phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào DTTS ở vùng cao biên giới, góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào.

Cán bộ, đảng viên xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê tiếp cận sách tại “Tủ tài liệu Chi bộ” và “Tủ sách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Cán bộ, đảng viên xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê tiếp cận sách tại “Tủ tài liệu Chi bộ” và “Tủ sách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. (Ảnh Tư liệu)

Trước đây, các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều chưa có tủ sách, thư viện. Cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi biên giới thường xuyên bị "đói" sách báo, "đói" thông tin. Bên cạnh đó, khu vực biên giới là khu vực đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội, đường sá đi lại hết sức vất vả, các bản làng, các nhà dân ở cách xa nhau, trình độ dân trí thấp và nạn mù chữ còn rất lớn. Có thể nói, đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS ở vùng cao biên giới còn nhiều thiếu thốn.

Trước tình hình đó, "Chương trình hành động nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin ở vùng cao biên giới", do Bộ Văn hóa Thể Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) ký kết, phối hợp tổ chức đã đến với vùng cao biên giới Hà Giang như một luồng gió mát giữa mùa Hè.

Thực tế hoạt động những năm qua ở Hà Giang đã cho thấy, khi Đồn Biên phòng có tủ sách, thư viện thì cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nơi biên giới sẽ được hưởng thụ thêm một loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần rất bổ ích và lành mạnh, nâng cao tư tưởng và kiến thức về mọi mặt, từ đó yên tâm phấn đấu trong công tác, lao động và học tập.

Mặt khác, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng là những người có trình độ văn hóa, luôn bám sát cơ sở, hiểu dân và được dân tin yêu. Chính những người lính Biên phòng vừa có khả năng, vừa có điều kiện để làm tốt nhiệm vụ của người cán bộ văn hóa, cán bộ thư viện, trực tiếp đưa sách báo, truyền đạt nội dung sách báo tới bà con các dân tộc một cách có hiệu quả. Như vậy, tủ sách biên cương đã trở thành cơ sở vững chắc để thực hiện song song hai nhiệm vụ: Vừa phục vụ sách báo cho cán bộ, chiến sĩ, vừa tạo thói quen sinh hoạt đọc sách báo cho đồng bào các dân tộc trong địa bàn góp, phần nâng cao dân trí.

Đọc sách, báo góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng (huyện Đồng Văn)
Đọc sách, báo góp phần nâng cao kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng (huyện Đồng Văn)

Kết quả nổi bật nhất là tỉnh Hà Giang đã cung cấp hàng trăm triệu đồng để trang bị ban đầu cho các thư viện, tủ sách biên phòng trên địa bàn. Đặc biệt, thư viện tỉnh cũng đã tích cực và năng động trong việc đề xuất với UBND tỉnh cấp kinh phí hàng năm để mua sách báo cho tủ sách, thư viện Biên phòng. Đồng thời mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thư viện, tủ sách các đồn Biên phòng. Các thư viện Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Quản Bạ, Vị Xuyên... đã đóng góp nhiều công sức để xây dựng tủ sách các đồn Biên phòng Bản Máy, Lũng Cú, Nghĩa Thuận, Thanh Thủy trở thành các đơn vị tiên tiến, được Bộ VHTT&DL khen thưởng.

Ngay trong 2 năm đầu thực hiện Chương trình hành động phối hợp, Hà Giang được đánh giá là tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng tủ sách, thư viện Biên phòng sớm nhất trong cả nước. Cán bộ tủ sách Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ) vinh dự được báo cáo kinh nghiệm tổ chức phục vụ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Từ đó đến nay, hoạt động của tủ sách, thư viện Biên phòng ngày càng phát triển, các điển hình tiếp tục được nhân rộng.

Những kết quả đạt được cho thấy, việc xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các tủ sách, thư viện, đẩy mạnh phong trào đọc và làm theo sách, báo của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các DTTS trên vùng biên giới là một nhu cầu cần thiết trong tình hình hiện nay. Sách báo thực sự là người bạn, là công cụ hết sức đặc sắc và rất phù hợp với đặc điểm, điều kiện huấn luyện, học tập, công tác, cũng như tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc vùng biên giới...