Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bí thư TP. Hồ Chí Minh: "Chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16"

T.M - 10:12, 21/07/2021

TP. Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến chuyên gia, bộ ngành liên quan để chuẩn bị tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm kéo giảm lây lan Covid-19.

Thông tin trên được Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nói tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 quốc gia vào chiều 20/7. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh trải qua ngày thứ 12 giãn cách theo Chỉ thị 16 và ghi nhận hơn 37.700 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư.

"Việc này nhằm thực hiện bằng được mục tiêu ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan Covid-19 trong cộng đồng hiện nay. Vì thời gian qua mục tiêu này chưa đạt", ông Nên nói và bày tỏ sự cảm ơn các lãnh đạo Trung ương, bộ ngành đã chia sẻ khó khăn, chỉ đạo chặt chẽ, hỗ trợ Thành phố trong phòng, chống dịch.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp

"Rất mong các đồng chí nghiên cứu, bàn bạc kịp thời với TP. Hồ Chí Minh để thống nhất phương án, giải pháp hiệu quả hơn, chung tay thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị 16, đem lại kết quả như mục tiêu đề ra", ông Nên nói.

Tại cuộc họp, thống nhất với ý kiến của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Thành phố cần tính toán phương án áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn cho một số địa bàn quá đặc thù.

"Chúng ta đều biết cách ly nghiêm ngặt là biện pháp tốt nhất lúc này để hạn chế lây lan", ông nói và mong Thành phố sớm có biện pháp cần thiết, đủ hiệu lực cho một số khu vực được đánh giá sẽ khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia đề nghị Thành phố cần nỗ lực thêm một bước là thực hiện xét nghiệm như Bộ Y tế hướng dẫn, thậm chí có tần suất cao hơn ở các khu vực nguy cơ cao hoặc nguy cơ chứ không chỉ khu vực nguy cơ rất cao.

Phó Thủ tướng khẳng định Bộ Y tế đã thống nhất ưu tiên tối đa thiết bị điều trị cho TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang khẩn trương áp dụng cơ chế mua sắm trong thời điểm hiện nay, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa về trang thiết bị, vật tư bảo hộ cho lực lượng chống dịch, nhất là ở các khu hồi sức cấp cứu.

"Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Y tế bảo đảm tất cả bệnh viện trên địa bàn Thành phố, khu điều trị nặng... không được thiếu đồ bảo hộ, vật tư cần thiết giữ an toàn cho đội ngũ y tế", ông Đam nói và đề nghị phải giữ bằng được lực lượng chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia

Liên quan vấn đề vắc xin, Phó thủ tướng thông tin từ tháng 8/2020 Chính phủ đã có nhiều đàm phán với các hãng sản xuất. Nếu đúng hợp đồng, cuối năm nay Việt Nam đủ lượng vắc xin tiêm cho 70% người dân, cơ bản đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 8/2021 lượng vắc xin không có được nhiều.

"Trước tình hình dịch và vai trò của vắc xin, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế ưu tiên tối đa cho Thành phố", Phó thủ tướng nói và khẳng định tới đây nếu vắc xin về tiếp, Chính phủ cũng sẽ dành ưu tiên lớn nhất cho Thành phố.

Trước đó, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế cùng các bộ, ngành luôn theo dõi và đánh giá việc tổ chức phòng, chống dịch tại Thành phố. Ngành y tế đánh giá cao nỗ lực của Thành phố khi triển khai Chỉ thị 16 và các biện pháp như giám sát dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa để kiểm soát dịch.

"Dịch diễn biến phức tạp, khó lường. Đỉnh dịch của Thành phố cách đây 3 ngày lên đến khoảng 5.000 ca bệnh, nhưng 3 ngày qua đã xuống hơn 3.000. Chưa có dấu hiệu khả quan nhưng trong 10 ngày tới Thành phố phải áp dụng quyết liệt các biện pháp", ông Sơn nói và hy vọng dịch sẽ giảm trong 7 - 10 ngày tới khi 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng tối đa giãn cách theo Chỉ thị 16./.