Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

BHXH Việt Nam: Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau

Hồng Phúc - 23:45, 21/10/2023

BHXH Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn cho người lao động về những ưu việt của BHYT, hiểu được những thiệt thòi khi rút BHXH một lần, từ đó tích lũy, tham gia để bảo đảm an sinh cho bản thân.


Công tác chuyển đổi số của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục có những bước tiến vững chắc, mang lại những thay đổi đột phá
Công tác chuyển đổi số của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục có những bước tiến vững chắc, mang lại những thay đổi đột phá

Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế phát triển bền vững hằng năm

Trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, người lao động, cùng với đó là những thay đổi về cơ chế, chính sách (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 và Quyết định số 353/2022/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1/1/2022) đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó có công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trước tình hình đó, toàn Ngành đã chủ động bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ trong toàn Ngành; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, linh hoạt triển khai các giải pháp thích ứng với tình hình mới và đã đạt các kết quả khả quan, hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ.

Cụ thể, năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội của cả nước là 17,5 triệu người, đạt 38,08% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 3,18% lực lượng lao động với hơn 1,4 triệu người tham gia, vượt 0,68% so với chỉ tiêu được giao đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đến tháng 9/2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội ước tăng 8 nghìn người so với năm 2022.

Đáng chú ý, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế phát triển bền vững hằng năm, năm sau cao hơn năm trước và luôn hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao: năm 2021 tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 91,01% (vượt 0,01%); năm 2022 là 92,04% (vượt 0,04%); năm 2023 ước 93,22% (vượt 0,02%). Qua công tác truyền thông, đến nay, nhận thức của người dân về chính sách bảo hiểm y tế đã được nâng cao. Hầu hết người dân đều mong muốn được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để đảm bảo an sinh cho bản thân và gia đình.

62% số người hưởng nhận chế độ qua tài khoản cá nhân tại đô thị

Bên cạnh sự đồng lòng, quyết tâm vượt khó để đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định tới từng người tham gia, thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, Ngành đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố giải quyết dứt điểm các vướng mắc, nhất là trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh… đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia theo Luật định.

9 tháng năm 2023, toàn Ngành đã giải quyết cho 65.358 người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối; 6.498.881 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; hơn 127 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (tăng gần 20% so với cùng kỳ), tương ứng số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế khoảng 90 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 13.652 tỷ đồng tương ứng 15,6% so với cùng kỳ).

Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế luôn được đảm bảo
Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế luôn được đảm bảo

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thực hiện chi trả cho khoảng hơn 3,3 triệu người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng, hơn 4 triệu lượt người hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân. Đến nay, đã có khoảng 62% số người hưởng qua phương thức này tại khu vực đô thị, tăng 1% so với năm 2022; vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg.

Nhiều hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được phát hiện và xử lý kịp thời

Về thẩm quyền thanh tra, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ có chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không có chức năng thanh tra hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Do đó, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt triển khai trong toàn Ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Công an, Thuế, Kế hoạch và Đầu tư…) trong hoạt động thanh tra, kiểm tra để chủ động phát hiện, ngăn ngừa từ sớm, từ xa và xử lý kịp thời các hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế.

Theo đó, việc khắc phục tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã cho thấy những hiệu quả tích cực. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, số tiền chậm đóng của các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã nộp trong thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022; đã truy đóng về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với 1.095 đơn vị được thanh tra chuyên ngành đột xuất số tiền là 107 tỷ đồng/198 tỷ đồng số tiền chậm đóng; đã ban hành 260 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt là 8,6 tỷ đồng và đã đôn đốc được 387 đơn vị đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Cùng với các giải pháp đồng bộ khác, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai hiệu quả đã góp phần tích cực vào kết quả thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của toàn Ngành. Trong những năm gần đây, tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn ở mức thấp và giảm đều qua các năm, cụ thể: năm 2021, tỷ lệ nợ là 3,1%; năm 2022 là 2,91%; năm 2023 dự kiến là 2,69%.

Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều hành động lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế đã được phát hiện và xử lý kịp thời, như: Người lao động sử dụng Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội giả hoặc được các cơ sở khám chữa bệnh cấp không đúng quy định để thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội; cơ sở khám chữa bệnh trục lợi quỹ bảo hiểm y tế bằng việc quyết toán công khám, tiền thuốc, dịch vụ kỹ thuật... từ thẻ bảo hiểm y tế của người mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; trục lợi hưởng bảo hiểm xã hội một lần dưới hình thức ủy quyền; người bệnh mượn thẻ bảo hiểm y tế của người khác để đi khám chữa bệnh hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh nhiều lần để lấy thuốc sử dụng không vì mục đích điều trị cho bản thân… Một số vụ việc lạm dụng, trục lợi đã được phát hiện như vụ việc tại các Phòng khám đa khoa tư nhân ở Đồng Nai (đã khởi tố); tại Trạm Y tế phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam (Công an tỉnh Hà Nam đang xác minh)...

Truyền thông lan tỏa tới từng nhóm chủ thể, từng hộ gia đình

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn ưu tiên tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành liên quan; tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, công tác truyền thông tiếp tục được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức, không chỉ truyền thông trên diện rộng, mang tính phổ quát mà còn có chiều sâu, truyền thông trực tiếp tới các nhóm chủ thể, truyền thông trực tiếp 1-1 đến từng hộ gia đình.

Hầu hết cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc chỉ đạo công tác truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp đã được nâng cao; người dân, người lao động ngày càng hiểu đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Công tác truyền thông tiếp tục được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức
Công tác truyền thông tiếp tục được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức

Đặc biệt, trong bối cảnh số người nhận bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài, bền vững cho người lao động, bên cạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục hồ sơ, giấy tờ, tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn tập trung tuyên truyền, đối thoại với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; tư vấn trực vấn tại bộ phận Một cửa của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh/huyện và Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngành; đẩy mạnh truyền thông trên các cơ quan báo chí, qua Cổng Thông tin điện tử/Fanpage Facebook/Zalo OA của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các tỉnh, trên Tạp chí Bảo hiểm xã hội… giúp người lao động hiểu được những thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội một lần để tiếp tục tích lũy, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với nhiều quyền lợi thiết thực.

Qua công tác truyền thông, tuyên truyền, giải thích chế độ chính sách và thực hiện nhiều giải pháp khác, trong khoảng 4,9 triệu lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2022 đã có khoảng 1,3 triệu người quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội, chiếm tỷ lệ gần 26,6% số người hưởng giai đoạn này. Trên thực tế, nhiều người lao động đến cơ quan bảo hiểm xã hội làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng được cán bộ tại bộ phận Một cửa tuyên truyền, giải thích thì đã từ bỏ ý định và bảo lưu thời gian đóng để khi có việc làm sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hoặc chủ động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm cộng nối thời gian để được hưởng lương hưu khi về già.

Công tác chuyển đổi số tiếp tục có những bước tiến vững chắc

Cùng với cả hệ thống chính trị, toàn Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo và xây dựng Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số theo đúng định hướng về Chính phủ số của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó, hiện Ngành đang quản lý hơn 91,74 triệu người tham gia, trong đó đã xác thực và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ 94%. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp với các Bộ, ngành triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông (Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng); hoàn thành cung cấp các dịch vụ công trực tuyến “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”,“Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”, “Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế”; triển khai hiệu quả ứng dụng VssID… tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Mặt khác, Ngành đã phối hợp triển khai sử dụng thẻ Căn cước công dân và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) phục vụ người dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt gần 100% cơ sở khám chữa bệnh; ứng dụng công nghệ sinh trắc tại cơ sở khám chữa bệnh… Đến nay, toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, với gần 50 triệu lượt tra cứu thông tin bảo hiểm y tế qua căn cước công dân phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua đó, đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh và cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của Ngành, góp phần kiến tạo và xây dựng Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia.

Có thể nói, những kết quả tích cực, toàn diện đạt được trên tất cả các lĩnh vực công tác của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cho thấy quyết tâm chính trị của toàn Ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đươc giao, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, người lao động, doanh nghiệp đối với các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.