Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bệnh sởi diễn biến phức tạp - Đắk Lắk đối mặt với “dịch chồng dịch”

Lê Hường - 16:48, 08/10/2024

Cùng với dịch sốt xuất huyết chưa hạ nhiệt, dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp, với hàng trăm ca mắc bệnh, cảnh báo nguy cơ cao “dịch chồng dịch” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột khám cho bệnh nhân bị bệnh sởi
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột khám cho bệnh nhân bị bệnh sởi

Nguy cơ “dịch chồng dịch”

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 23/9, toàn tỉnh đã ghi nhận 150 trường hợp mắc bệnh sởi tại 14/15 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện M’Đrắk).

Chị H’Yên Niê ở xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột có con nhỏ 3 tuổi, mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Khi thấy con bị sốt, tôi đi mua thuốc về cho con uống nhưng không đỡ. Khi cháu bị chảy máu mũi tôi đưa đến bệnh viện khám, mới biết cháu bị bệnh sởi, biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Sau thời gian điều trị, bệnh tình của cháu đỡ dần.

TP. Buôn Ma Thuột là địa bàn ghi nhận số ca bệnh sởi cao nhất, với 83 trường hợp, trong đó xã Cư Êbur có số ca mắc bệnh sởi cao nhất. Bác sĩ Lê Quang Tâm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cư Êbur cho biết: Xã ghi nhận một trường hợp trẻ mắc bệnh sởi vào ngày 6/8 tại Trường Mầm non Hoàng Anh thôn 1, xã Cư Êbur, sau một tháng rưỡi, số ca bệnh sởi đã tăng lên 37. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh sởi tại xã Cư Êbur đều chưa tiêm chủng phòng sởi, chỉ có 1 trường hợp đã tiêm phòng sởi mũi 1.

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9, Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 62 trường hợp (độ tuổi từ 7 tháng đến 12 tuổi) mắc bệnh sởi. Trong đó, chỉ có 3 ca tiêm phòng sởi đủ 2 mũi, 10 ca tiêm phòng sởi mũi 1. Còn lại, 47 ca chưa tiêm chủng phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Tiêm đủ mũi vắc xin là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất
Tiêm đủ mũi vắc xin là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất

BS.CKII Cao Hoàng Phong, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột cho biết, hơn 1 tháng qua số ca bệnh sởi tăng mạnh. Các ca bệnh sởi điều trị tại Bệnh viện có đến hơn 90% biến trứng viêm phổi, có những ca biến chứng viêm phổi nặng, kèm suy hô hấp. Trẻ mắc bệnh sởi không được điều trị kịp thời, thì sẽ có những biến chứng nặng, có thể dẫn đến tử vong. 

Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh và điều trị kịp thời. Cùng với bệnh sởi, Khoa cũng đang điều trị số lượng lớn bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến giữa tháng 9, Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 200 bệnh nhi sốt xuất huyết. Bệnh viện phải tăng cường y, bác sĩ từ các khoa hỗ trợ điều trị.

Tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, đến cuối tháng 9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.000 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong và hơn 150 người mắc bệnh sởi.

Theo ông Hoàng Nguyên Duy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, để hạn chế, ngăn chặn bệnh sởi bùng phát, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 3689 /SYT-NVYD ngày 10/9/2024 về việc tăng cường các biện pháp đáp ứng phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi mắc sởi mới trên địa bàn quản lý để nhanh chóng chuyển gửi, thu dung điều trị tại các cơ sở y tế nhằm cắt đứt nguồn lây truyền bệnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đang được các địa phương của tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch bệnh đang được các địa phương của tỉnh Đắk Lắk tập trung thực hiện

Bên cạnh đó, thực hiện truyền thông lưu động bằng các thứ tiếng đặc thù nơi dân cư sinh sống trong vòng 21 ngày. Đồng thời, rà soát danh sách trẻ từ 1- 5 tuổi (tại các trường mầm non, tại cộng đồng), đối chiếu tiền sử tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh theo quy định, trong đó có vắc-xin phòng bệnh sởi để triển khai tiêm bù, tiêm vét.

Sở Y tế cũng đề nghị các cơ quan, ban, ngành và hệ thống chính trị theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố để khoanh vùng dập dịch, tiêm vắc-xin phòng chống bệnh sởi nói riêng và các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn nói chung. 

Đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, nắm rõ đối tượng để có biện pháp tuyên truyền, vận động trong phòng, chống dịch bệnh. Chủ động trong nắm bắt tình hình dịch, đánh giá nguy cơ để có hướng tham mưu, đề xuất chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”. Đồng thời, bố trí nguồn nhân lực đảm bảo cho công tác đáp ứng hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn đạt hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục
Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Những điểm sáng ở huyện miền núi Quế Phong

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng, cơ sở hạ tầng có nhiều khởi sắc… là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). Trong đó một niềm vui lớn hơn đến từ việc chuyển biến về nhận thức, suy nghĩ của bà con dân bản, khi nơi đây từng "điểm nóng" về tảo hôn thì nay Quế Phong đã thành điểm sáng trong công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.