Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bể nước mưa nhà ngoại

Trịnh Viết Hiệp - 19:28, 09/07/2021

Cha mẹ tôi làm việc nơi thành phố, gửi tôi sống với ông bà ngoại và đi học ở quê. Vì vậy suốt quãng đời ấu thơ của tôi gắn bó với chiếc bể chứa nước mưa nhà ngoại.

Bể nước mưa xưa thường có mái khum tròn, nằm gọn ở một góc sân. Ảnh: TL
Bể nước mưa xưa thường có mái khum tròn, nằm gọn ở một góc sân. Ảnh: TL

Cách đây khoảng hơn chục năm trở về trước, rất nhiều hộ dân sinh sống tại các làng quê ở nước ta vẫn chủ yếu dùng nước mưa trong sinh hoạt hàng ngày. Chính vì lẽ đó mà hầu như gia đình nào cũng luôn chuẩn bị rất nhiều các vật dụng để hứng đựng nước mưa dùng dần. Khi đó có tới 90% các hộ dân ở quê đều trông chờ nguồn nước từ… ông trời. Chỉ có một ít các hộ gia đình khá giả mới đủ tiền để đào được cái giếng lấy nước rất sâu dưới lòng đất.

Nhà ngoại tôi không thuộc diện khá giả nên việc có được một cái giếng khơi luôn là niềm ao ước. Để có nước sinh hoạt, nhà ngoại và nhiều gia đình trong xóm phải xây một cái bể lớn để trữ nước mưa. Bể chứa nước mưa nhà ngoại tôi được xem là “khủng” nhất xóm vì nó có thể chứa được vài trăm thùng nước. Bà ngoại tôi kể rằng, chiếc bể chứa nước mưa có từ bao giờ ngoại cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng, khi ngoại về làm dâu đã thấy cái bể hiển diện phía trước khoảng sân với tường bao bọc xung quanh, trên mặt nóc bể rêu xanh phủ kín.

Cha mẹ tôi làm việc nơi thành phố, gửi tôi sống với ông bà ngoại và đi học ở quê. Vì vậy suốt quãng đời ấu thơ của tôi gắn bó với chiếc bể chứa nước mưa nhà ngoại. Mỗi ngày vài lượt, tôi lại chạy ra bể múc vài gầu nước. Bể nước mưa nhà ngoại được thiết kế theo kiểu nửa nổi nửa chìm, một nửa bể nằm phía dưới lòng đất, còn một nửa nhô khỏi mặt đất. Bể sâu tới mức mỗi lần người lớn lội xuống tổng vệ sinh lau dọn đáy, đứng thẳng lưng trong lòng bể cũng không chạm đầu lên thành bể.

Hầu như năm nào chiếc bể cũng được tổng vệ sinh lau dọn một lần cho sạch trước khi chứa nước mưa. Khoảng thời gian vệ sinh dọn bể thường diễn ra vào những tháng đầu năm, khi đó không có mưa và bể đã cạn kiệt nước. Bước sang tháng 5, tháng 6, lúc mùa mưa tới, bể bắt đầu trữ nước. Có khi chỉ cần vài trận mưa rào lớn, mỗi trận kéo dài chừng vài giờ đồng hồ là cả chiếc bể to rộng, sâu lòng cũng tràn trề nước mưa.

Ở vùng quê Bắc bộ, bể nước mưa thường được bố trí trước khoảng sân nhà, gần nhà bếp để tiện lấy nước sinh hoạt
Ở vùng quê Bắc Bộ, bể nước mưa thường được bố trí trước khoảng sân nhà, gần nhà bếp để tiện lấy nước sinh hoạt (Ảnh Sông Lam)

Đi kèm với chiếc bể chứa nước mưa, nhà nào cũng phải có những chiếc máng xối làm bằng thân cây tre, hay cây cau đục khoét đường rãnh để dẫn nước từ mái hiên chảy xuống, sau đó nước từ lòng máng xối chảy về bể. Máng xối nhà ngoại tôi lại được thiết kế bằng ống nhựa. Bởi theo ngoại giải thích, máng xối bằng nhựa không chỉ sạch sẽ mà tuổi thọ sẽ bền hơn làm bằng cây tre, cây cau, nhiều năm không phải thay hay làm lại máng xối.

Sau những tháng mùa khô, mặc dù nhà nào cũng mong chờ trời đổ mưa để trữ nước nhưng vài trận đầu mùa, hầu như chưa nhà nào lấy nước ngay vào bể chứa mà dẫn nước đổ ra ngoài vườn, ngoài cống. Sau vài trận mưa to, khi bụi bẩn trên mái ngói, máng xối đã được gột sạch thì các gia đình mới cho nước chảy vào bể chứa. Khi bể đã được trữ đầy nước thì phải sử dụng nắp bể để đóng kín nhằm tránh bụi bẩn và côn trùng, ếch nhái… rơi vào làm ô nhiễm nguồn nước.

Nước mưa dùng để pha trà làm tăng thêm hương vị và độ ngọt cho trà
Nước mưa dùng để pha trà làm tăng thêm hương vị và độ ngọt cho trà

Nước mưa được lấy từ chiếc bể mang nấu cơm thì cơm rất trắng và ngon. Nếu dùng để đun nước pha trà thì hương vị của trà trở nên tuyệt hảo. Chẳng vậy mà mỗi lần nhà có khách, ông ngoại tôi pha trà mời khách, ai cũng tấm tắc khen trà thơm và ngọt đầu lưỡi. Ông ngoại tôi bảo trà ngon là do… nước mưa. Và những người khách khi ra về đều xin một chai nước mưa múc từ bể để mang về pha trà uống.

Ngay như việc bà ngoại mỗi lần ngả tương, ngâm ủ mốc đều phải dùng nước mưa, bởi nếu dùng nước giếng khơi thì tương sẽ giảm đi vị ngon ngọt.

Sống nhiều năm với ông bà ngoại, cả một thời ấu thơ tôi đã gắn bó thân thuộc với bể nước mưa với biết bao nhiêu kỷ niệm. Khi lên thành phố học tập, chưa được bao lâu, nghe tin cậu mợ tôi đã phá bỏ chiếc bể nước mưa vì nhà đã dùng… nước máy. Mỗi lần về quê thăm ngoại, nhìn ra khoảng sân, mảnh vườn, không còn thấy hình dáng chiếc bể chứa nước mưa và những thanh máng xối dẫn từ mái nhà xuống, trong tôi thoáng chút chút bùi ngùi, luyến tiếc…