Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bát Xát (Lào Cai): Chính sách dân tộc góp phần đổi thay vùng đồng bào DTTS

Thanh Phong (thực hiện) - 03:36, 02/12/2023

Những năm qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo phát triển đời sống đồng bào các DTTS, theo đó nhiều chính sách đã được ban hành, góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai việc triển khai các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã được huyện tích cực triển khai, phát huy hiệu quả nguồn vốn, tạo động lực để đồng bào DTTS phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Minh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bát Xát (Lào Cai) về vấn đề này.

Bát Xát (Lào Cai): Chính sách dân tộc góp phần đổi thay vùng đồng bào DTTS

PV: Xin ông cho biết việc triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Bát Xát trong thời gian vừa qua?

Ông Lê Đức Minh: Thực hiện Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719); huyện Bát Xát đã chủ động, sáng tạo hoàn thành việc thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cấp huyện, trong đó phân công đồng chí Bí thư Huyện uỷ là Trưởng Ban Chỉ đạo; ban hành Quy chế hoạt động và Chương trình công tác năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025 để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện các Dự án, Tiểu Dự án và nội dung Chương trình tại các xã, các cơ quan là chủ đầu tư thực hiện các dự án.

Đồng thời, phân công các cơ quan, đoàn thể chính trị phụ trách chủ trì giúp đỡ các xã, phân công các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ huyện trực tiếp phụ trách các xã, có những chỉ đạo, điều hành sát sao, yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình; đồng thời định kỳ họp để nắm bắt tình hình, trao đổi với các địa phương về khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất với tỉnh, các bộ ngành của trung ương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; đẩy nhanh thủ tục, tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Chương trình MTQG đến toàn thể các bộ công chức và người dân đã được Ban chỉ đạo cấp huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, vai trò, tầm quan trọng của trương trình; được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, người dân và xã hội; tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, đưa Bát Xát thoát khỏi huyện nghèo, tạo tiền đề vững chắc để trở thành Huyện phát triển khá của tỉnh
Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, đưa Bát Xát thoát khỏi huyện nghèo, tạo tiền đề vững chắc để trở thành Huyện phát triển khá của tỉnh

PV: Các chính sách dân tộc đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện ra sao, thưa ông?

Ông Lê Đức Minh: Đối với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trước tiên đã đem lại cho cán bộ, công chức và Nhân dân các dân tộc huyện Bát Xát đó là thay đổi về nhận thức, cách nghĩ cách làm trong việc tổ chức thực hiện triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình; của cấp uỷ chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo điều hành, và người dân đã nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Chương trình mình được thụ hưởng từ các dự án, từ đó người dân đã tự nguyện tham gia đóng góp công sức, tài sản tham gia cùng với chính quyền trong việc tổ chức thực hiện các dự án.

Về mặt kinh tế- xã hội chương trình đã trực tiếp góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bộ mặt nông thôn huyện Bát Xát từ huyện đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang đảm bảo thuận lợi cho người dân trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hưởng thụ các thành quả do Chương trình mang lại. Tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh và bền vững, cụ thể năm 2023 tỷ lệ giảm nghèo của huyện từ 37,11% xuống còn 30,3% tương đương với số hộ giảm 1220 hộ, hộ cận nghèo giảm còn 18,8% tương đương số hộ giảm 125 hộ.

Đời sống của đồng bào Hà Nhì ở Bát Xát ngày càng được nâng lên
Đời sống của đồng bào Hà Nhì ở Bát Xát ngày càng được nâng lên

PV: Hiện nay, các cấp, các ngành, các địa phương đã và đang tập trung triển khai Chương trình MTQG 1719. Ông có thể cho biết việc triển khai Chương trình này trên địa bàn huyện Bát Xát, những kết quả bước đầu trong triển khai Chương trình?

Ông Lê Đức Minh: Triển khai Chương trình MTQG 1719, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023 và hết giai đoạn 2021 - 2025, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu được giao, với quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và tối thiểu 96% vốn kế hoạch năm 2023 trở lên, Ban chỉ đạo huyện đã yêu cầu UBND huyện các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn được giao làm chủ đầu tư nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa với quyết tâm chính trị cao nhất, rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trình HĐND huyện phê duyệt, điều chỉnh bổ sung để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn năm 2023.

Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và phân khai vốn năm 2024, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, quy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác triển khai các Chương tình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn các xã, các chủ đầu tư, xử lý nghiêm minh các chủ đầu tư, cá nhân thụ hưởng từ các dự án đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng pháp luật, tăng cường công tác đào tạo, đồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện dự án các cấp, người dân trực tiếp thụ hưởng từ các dự án.

Trân trọng cảm ơn ông!