Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bất chấp khó khăn, 10 tháng đầu năm 2022, EVNNPC thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

Hồng Phúc - 13:22, 28/11/2022

Trong năm nay, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng 10 tháng năm 2022, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Tổng sản lượng điện thương phẩm lũy kế 10 tháng đạt 72,8 tỷ kWh, tăng trưởng 6,29% so với cùng kỳ
Tổng sản lượng điện thương phẩm lũy kế 10 tháng đạt 72,8 tỷ kWh, tăng trưởng 6,29% so với cùng kỳ

Tại buổi trao đổi với báo chí sáng 28/11, ông Phan Tử Lượng, Phó Tổng Giám đốc EVNNPC thông tin, tổng sản lượng điện thương phẩm lũy kế 10 tháng đạt 72,8 tỷ kWh, tăng trưởng 6,29% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tổn thất điện năng lũy kế 10 tháng năm 2022 là 4,33%, giảm 0,46% so với cùng kỳ 2021 và ước tính năm 2022 sẽ đạt vượt kế hoạch EVN giao.

Trong 10 tháng, trên toàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ xảy ra 6 vụ sự cố trạm biến áp 110 kV, ước thực hiện cả năm là 7 vụ, giảm 70 vụ sự cố so với kế hoạch EVN giao năm 2022. Số vụ sự cố trên đường dây 110 kV và lưới điện trung hạ thế cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Về chỉ số tiếp cận điện năng, lũy kế 10 tháng, EVNNPC đã tiếp nhận giải quyết cấp điện cho 2.101 khách hàng trung áp, thời gian trung bình giải quyết các thủ tục của ngành Điện là 3,77 ngày, giảm 3,23 ngày so với quy định của EVN, giảm 0,36 ngày so với cùng kỳ 2021.

Năm 2022, EVNNPC đang quyết liệt thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và hoàn thành tốt kế hoạch chuyển đổi số mà EVN giao, phấn đấu trong thời gian sớm nhất sẽ trở thành doanh nghiệp số. Từ đó, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty.

Tuy nhiên, ông Phan Tử Lượng cho biết, EVNNPC đã phải tăng cường các giải pháp quản trị, nỗ lực tiết giảm tối đa các khoản chi phí sửa chữa lớn khoảng 1.264 tỷ đồng, tương ứng giảm 47% so với định mức EVN giao. Cùng đó là tiết giảm chi phí biến động khoảng 1.243 tỷ đồng tương ứng giảm 22,7% so với định mức EVN giao. Ngoài ra, EVNNPC sẽ giãn tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và cắt giảm hàng loạt chi phí có thể để giảm lỗ.

Theo báo cáo từ EVNNPC, năm 2022 là năm khó khăn nhất của Tổng công ty, kể từ khi thành lập đến nay. Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán 6 tháng đầu năm nay, kết quả kinh doanh 6 tháng toàn Tổng công ty lỗ 4.709 tỷ đồng; trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh điện lỗ 4.843 tỷ đồng.

Đến nay, giá nhiên liệu đầu vào như than, khí… vẫn không ngừng tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động từng ngày nên Tổng công ty này dự báo số lỗ sẽ là rất lớn.

Nguyên nhân được chỉ ra, là do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao, khiến chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh; do đó làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN. Giá bán điện bình quân ước cả năm 2022 của Tổng Công ty là 1.786 đồng/kWh, trong khi giá mua điện trên thị trường điện của Tổng Công ty là 2.500,46 đồng/kWh.

"Giá nhiên liệu, vật tư thiết bị tăng cao làm tăng tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng; tăng các chi phí sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên và chi phí quản lý vận hành lưới điện của Tổng công ty. Bên cạnh đó, Tổng công ty có các khoản vốn vay ODA để đầu tư lưới điện, với tình hình tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh hiện nay làm lỗ chênh lệch tỷ giá của Tổng công ty ước đến thời điểm này là 756 tỷ đồng", ông Phan Tử Lượng chia sẻ.

Tình hình chiến tranh giữa Ukraine và Nga, cũng là tác nhân khiến giá nhiên liệu tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của thế giới và Việt Nam. Rất nhiều nước trên thế giới mặc dù giá điện tăng cao, nhưng khả năng vẫn bị thiếu điện trong mùa đông năm nay, do không đủ nhiên liệu để sản xuất điện.

Việc phải chịu khoản lỗ lớn dự kiến, sẽ khiến cho hoạt động sản xuất của Tổng công ty  gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đến tình hình cân đối tài chính và dòng tiền của Tổng công ty. Cụ thể như EVNNPC sẽ khó bảo đảm tiến độ thanh toán tiền điện cho EVN, thanh toán cho các nhà thầu và đối tác…

Để ngành Điện đảm bảo việc cung cấp điện, đại diện EVNNPC mong muốn, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có thể xem xét đến các yếu tố khách quan, để có chính sách điều chỉnh giá điện phù hợp. Qua đó, giúp cho ngành điện duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng, đáp ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng của các địa phương và cả nước.