Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bắt cây rừng chảy ra rượu

Ngọc Thu - 09:20, 26/04/2022

Ngoài công việc trên rẫy, bà con người Ba Na (huyện Kông Chro, Gia Lai) lại tranh thủ vào rừng thu hoạch rượu đoak. Dòng nước chảy từ thân cây đã cho ra loại rượu ngon, có hương thơm dịu đã trở thành đặc sản của người Ba Na ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên này.

Thân cây Đoak cao hơn 10m nên phải làm thang bắc lên lấy rượu
Thân cây đoak cao hơn 10m nên phải làm thang bắc lên lấy rượu

Theo chân chàng trai Ba Na Đinh A Leng, xã Đăk Song, huyện Kông Chro, người đã có thâm niên trong nghề “bắt cây rừng chảy ra rượu”, chúng tôi được trải nghiệm cách thu hoạch rượu đoak.

Ning nơng, theo cách gọi của người dân địa phương, là tháng không làm nông. Khi mùa trước đã thu hoạch xong mà mùa đốt rẫy mới vẫn chưa tới, họ đi về rừng, nghỉ ngơi, tổ chức lễ hội, vui chơi gọi là tháng Ning nơng. Ning nơng cũng có nghĩa là bất tận, không bao giờ dừng.

Vượt suối, băng qua rừng, con dao sắc bén trên tay A Leng thoăn thoắt phang hết những cành cây ngáng qua đường. Khi chân chúng tôi đã mỏi, cây Đoak đã hiện ra trước mắt. Cây đoak có thân thẳng đứng, giống cây dừa, thường mọc ở những vùng ven suối nước ở trong rừng.

Vào mùa Ning Nơng, từ tháng 2 - 3 là thời điểm cây Đoak ra buồng, trổ hoa có lượng nước dồi dào và ngọt lịm. Lúc này, bà con người Ba Na tất bật thu hoạch rượu đoak.

Công đoạn lấy nước từ cây đoak cũng lắm công phu và mất nhiều thời gian. Để leo lên cây đoak đang độ trưởng thành cao đến 10m, anh A Leng phải lấy cây kết thành cái thang và giàn vững chãi để leo lên. Sau đó, anh sẽ chọn những buồng to nhất để đục khoét ở cuống buồng. 

Nước rượu Đoak màu trắng đục có hương thơm dịu
Nước rượu Đoak màu trắng đục có hương thơm dịu

Tiếp theo, anh đặt chiếc phễu bằng lá cây, hứng dòng nước trào ra vào ghè được buộc sẵn phía dưới. Khi lấy đủ, A Leng để lại trong ghè một lượng ít để cho nước đoak lên men cho những lần lấy tiếp theo.

Những cây Đoak khai thác lần đầu một ngày sẽ thu từ 10 đến 20 lít nước
Những cây Đoak khai thác lần đầu một ngày sẽ thu từ 10 đến 20 lít nước

Nước đoak có màu trắng đục, vị ngọt thanh. Để chế biến thành rượu, người dân thường lấy vỏ cây Ngui Nganh, K’Re là một loại men rừng. Bỏ vào trong ghè ủ lên men, sau một ngày ủ nước đoak sẽ tạo bọt trắng như bia, có vị vừa chua, vừa cay, vừa ngọt đắng và thành rượu Đoak.

Anh Đinh A Leng, xã Đăk Song, huyện Kông Chro, người đã có thâm niên trong nghề “bắt cây rừng chảy ra rượu” đã nhanh chóng leo lên trên gần ngọn cây Đoak
Anh Đinh A Leng, xã Đăk Song, huyện Kông Chro, người đã có thâm niên trong nghề “bắt cây rừng chảy ra rượu”

Rượu đoak không để được lâu mà chỉ có thể uống trong ngày, do đó, đây được coi là thứ nước giải khát mà thiên nhiên ban tặng cho bà con sau một ngày lao động sản xuất mệt mỏi.

Anh Đinh A Leng chia sẻ:“Hương vị của rượu đoak cũng tùy sở thích của từng người. Sau khi lấy nước trên thân cây, để nước cây hóa rượu theo ý muốn, mình cho vào ống đựng rượu vỏ cây K’Re còn tươi. Mình thu hoạch rượu xong rồi cũng phải lấy lá cây nhét vào chỗ đã đục khoét tránh côn trùng bám vào để bảo quản cho những lần khai thác sau. Rượu đoak như thức uống giải khát cho người Ba Na mình mỗi khi lên rẫy mệt về. Trong các lễ hội, rượu Đoak cũng được đưa ra để tiếp đãi khách".

Cây đoak mọc từ 10 năm trở đi sẽ cho thu hoạch. Những buồng hoa cây Đoak sẽ mọc từ trên xuống dưới cho thu hoạch ròng rã hàng tháng trời. Những cây đoak khai thác lần đầu, một ngày sẽ thu từ 10 - 20 lít nước. Vì từ cây rừng không có chất bảo quản, nên rượu đoak cũng chỉ dùng  được trong 1 ngày.

Tại xã Đăk Pling cũng có khá nhiều “cây rượu”. Anh Đinh Lêu (làng Tơ Bưng, xã Đăk Pling) đã có gần 30 năm kinh nghiệm vào rừng lấy rượu Đoak. Vì vậy, anh thông thạo từng vạt rừng, khe suối, nơi có cây đoak cũng như cách thu hoạch cho nước rượu thơm ngon.


Rượu Đoak được người Ba Na dùng trong các lễ hội, đón tiếp khách quý
Rượu đoak được người Ba Na dùng trong các lễ hội, đón tiếp khách quý

Anh Lêu chia sẻ, từ nhỏ anh đã theo cha lên rẫy, lên rừng nên học được cách lấy rượu. Rượu đoak có thể lấy quanh năm, nhưng tốt nhất lấy trong mùa quả đoak từ tháng 3 đến tháng 7, chọn cây lấy rượu phải là cây đã ra hoa. Phải chọn cây lớn để lấy rượu. Nếu lấy cây nhỏ, rượu sẽ không ngon và cây cũng không thể phát triển được. Vì phải trèo cao để lấy rượu nên công việc này thường dành cho đàn ông. 

"Trước đây, những gia đình nào sở hữu cây đoak trong rừng thì nhất làng, được coi như Yàng ban cho, uống thơm ngon mà không bị đau đầu. Chỉ khi có khách quý thì dân làng mới mang rượu đoak ra đãi khách”, anh Lêu kể.

Vùng Bắc Tây nguyên đang vào mùa Ning Nơng, mùa của lễ hội, vui chơi. Khắp các thôn làng, người dân đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ, hưởng thụ lộc rừng. Hương vị rượu đoak khiến cho mọi người trở nên cởi mở, thắt chặt tình thương yêu, đoàn kết. Chút vị cay, hăng của cây hòa với vị ngọt của nước, hơi men dịu dàng làm nên nét đặc trưng men rượu của núi rừng.