Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ nghệ nhân

PV - 09:33, 20/05/2019

Để hỗ trợ cho đối tượng nghệ nhân dân gian, từ năm 2015, Chính phủ đã ra Nghị định số 109/2015/NĐ-CP (Nghị định 109) về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân Nhân dân (NNND) và nghệ nhân ưu tú (NNƯT) có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Rất nhiều người trong số nghệ nhân này thuộc khu vực dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện Nghị định đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải đánh giá, điều chỉnh lại cho phù hợp.

Những Nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú là những “báu vật” cần được tôn trọng và có chế độ chính sách đãi ngộ xứng đáng Những Nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân ưu tú là những “báu vật” cần được tôn trọng và có chế độ chính sách đãi ngộ xứng đáng.

Rất ít nghệ nhân được tiếp cận chính sách

Năm 2015, lần đầu tiên Nhà nước thực hiện việc phong tặng, truy tặng danh hiệu NNND, NNƯT đối với 617 nghệ nhân. Trong đó, Khánh Hòa có 8 người được phong tặng danh hiệu NNƯT. Mới đây, tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNND cho NNƯT Trần Rí và danh hiệu NNƯT cho 3 người khác.

Trên thực tế, trong số 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu đợt đầu, đến nay đã có 3 người đã qua đời, là các cụ: Lê Bộc, Mấu Thị Giêng, Trần Thị Tâm. Số NNƯT đang còn sống và hưởng chính sách cũng đều tuổi cao, sức yếu. Trong đó, có những nghệ nhân là người dân tộc Raglai đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn như: Cao Thị Thanh, Cao Thị Quang, Mấu Quốc Tiến (huyện Khánh Sơn); hay như NNƯT Trần Rí ở huyện Vạn Ninh là người khuyết tật nặng. Các nghệ nhân mới được đề nghị phong tặng danh hiệu trong thời gian tới cũng đã ở tuổi thất thập.

0NNƯT Mấu Quốc Tiến bày tỏ: “Chính sách hỗ trợ của Nhà nước có thể không nhiều, nhưng chúng tôi coi đây là sự quan tâm,  2với  212 2những nghệ nhân dân gian. Điều đó sẽ góp phần “tiếp lửa” cho mỗi nghệ nhân trong việc gìn giữ phát huy văn hóa truyền thống”.

Còn tại tỉnh Gia Lai, việc hỗ trợ tiền sinh hoạt hằng tháng, bảo hiểm y tế, chi phí mai táng cho các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn vẫn là câu chuyện còn bỏ ngỏ. Trong số 15 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu đợt 1-2015, hiện mới chỉ có 3 nghệ nhân được hưởng trợ cấp hằng tháng là 700 ngàn đồng/người, đó là Nghệ nhân Rơ Mah Kim (huyện Đức Cơ), các Nghệ nhân Rơ Châm HMut và Rơ Châm Uek (huyện Chư Pah). Đây là mức hỗ trợ thấp nhất theo quy định.

Còn tại xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) có 3 nghệ nhân kể sử thi được trao danh hiệu cao quý này trong đợt 1 là: Đinh Tim, Đinh Yie và Nhưr. Ngoài nghệ nhân Đinh Yie từng là cán bộ xã có lương hưu, thì 2 nghệ nhân còn lại đã già yếu, hoàn cảnh rất khó khăn, lại bệnh tật nhưng lại không nhận được hỗ trợ.

Nghệ nhân hát kể sử thi Nhưr, xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ (Gia Lai), không được chế độ đãi ngộ nào sau 4 năm được phong tặng danh hiệu, cuối đời sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật. Nghệ nhân hát kể sử thi Nhưr, xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ (Gia Lai), không được chế độ đãi ngộ nào sau 4 năm được phong tặng danh hiệu, cuối đời sống trong cảnh nghèo khổ, bệnh tật.

Đánh đồng nghệ nhân với hộ nghèo

Ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Gia Lai) cho biết: Ngay sau Nghị định 109 của Chính phủ có hiệu lực, từ năm 2016 đến nay, Sở đã ban hành 2 văn bản, một là hướng dẫn các địa phương rà soát lại hoàn cảnh cụ thể của các nghệ nhân để có mức hỗ trợ phù hợp. Văn bản thứ 2, yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình thực hiện. Tuy nhiên, các địa phương chỉ căn cứ vào danh sách hộ nghèo của địa phương, nghệ nhân nào trong danh sách thì được nhận mức hỗ trợ đối với người “có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn” mà không hề căn cứ vào quy định liên quan và tình hình thực tế.

Ông Việt thừa nhận: “Việc một số nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không nằm trong danh sách được nhận trợ cấp là có phần thiếu sót của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) khi không đi xác minh thực tế mà dựa hoàn toàn vào báo cáo từ cơ sở”.

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, việc áp dụng Nghị định 109 cũng rất hạn chế. Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Khánh Sơn cho biết, lâu nay, nhiều nghệ nhân mặc dù thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 109 nhưng do vẫn đang nhận trợ cấp hằng tháng theo chính sách an sinh xã hội khác như: hộ nghèo, người cao tuổi… Chính vì thế, chúng tôi không biết họ có được hưởng thêm chính sách dành cho nghệ nhân nữa hay không?”.

Ông Võ Bình Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khánh Hòa cho hay: Sở đã đề nghị các địa phương có NNND, NNƯT thực hiện việc rà soát, đánh giá để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ. Theo quy định, một người không thể cùng lúc vừa hưởng chế độ nghệ nhân vừa hưởng chế độ trợ cấp thuộc diện khác. Đây chính là bất cập trong việc triển khai thực hiện Nghị định 109.

Còn ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai) thì cho rằng: Để hỗ trợ cho các NNND, NNƯT, chúng ta không nên chia họ thành nhiều đối tượng khác nhau, từ đó áp dụng các mức trợ cấp. Bởi làm như vậy chưa thực sự công bằng, ít mang tính động viên.

“Tôi cho rằng đây không phải việc từ thiện, nhân đạo nên không thể căn cứ vào gia cảnh, bệnh tật để xét trợ cấp nhiều hay ít hoặc không trợ cấp. Các NNND, NNƯT chính là những con người có tài năng đặc biệt, họ tự đào tạo mình, có nhiều cống hiến cho cộng đồng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Không có lý gì họ bị “phân biệt đối xử” về khoản trợ cấp hằng tháng cả”, ông Tuệ nhấn mạnh.

LÊ PHƯƠNG