Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bất cập trong phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi

PV - 09:20, 13/06/2018

Những năm qua, chủ trương đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi đã được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù. Đó là hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, là chính sách cử tuyển,… Tuy nhiên, do nhiều bất cập nên các chính sách này không phát huy hiệu quả như mong đợi.

Bài 1: Nút thắt trong tạo nguồn bậc phổ thông

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) gồm hai cấp học: trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT). Do “dưới nhiều, trên ít” nên rất nhiều học sinh DTTS được hưởng chế độ nội trú, khi tốt nghiệp các trường PTDTNT THCS không “lọt” được vào các trường PTDTNT THPT, buộc phải “rẽ ngang”.

Dưới nhiều, trên ít

Tỉnh Nghệ An hiện có 8 trường PTDTNT; 2 trường THPT và 6 trường THCS ở 6 huyện miền núi, gồm: Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong và Quỳ Hợp. Các trường được ưu tiên ngân sách để dạy học, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn.

Trường PTDTNT là nơi ươm mầm, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa) Trường PTDTNT là nơi ươm mầm, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

Là nơi đào tạo tạo nguồn nên số lượng học sinh người DTTS được tuyển vào 6 trường PTDTNT cấp THCS trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Nghệ An, bình quân mỗi năm học, 6 trường PTDTNT cấp THCS đào tạo nội trú cho gần 1.800 học sinh, bình quân 300 học sinh/trường; chỉ chiếm khoảng 7,41% tổng số học sinh DTTS cấp THCS toàn tỉnh.

Không chỉ cấp THCS mà ở 2 trường PTDTNT cấp THPT, số lượng học sinh DTTS được tuyển vào cũng rất ít. Bình quân mỗi năm học, cả 2 trường này chỉ tuyển không quá 1.000 học sinh, chiếm gần 10% tổng số học sinh DTTS cấp THPT toàn tỉnh.

Theo Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT, ngày 15/1/2016 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT thì các trường PTDTNT có nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi. Do đó, cùng với điều kiện ngân sách hỗ trợ còn hạn hẹp thì việc hạn chế số lượng học sinh nội trú tại các trường PTDTNT là hoàn toàn phù hợp.

Vấn đề đặt ra là, so sánh số lượng học sinh cấp THCS và cấp THPT trong hệ thống các trường PTDTNT vẫn có sự bất cập. Như ở Nghệ An, 6 trường PTDTNT cấp THCS mỗi năm đào tạo nội trú khoảng 1.800 em; nhưng 2 trường PTDTNT cấp THPT của tỉnh chỉ tiếp nhận được gần 1.000 em. Vị chi, bình quân mỗi năm có trên dưới 800 học sinh cấp THCS được đào tạo nội trú sẽ không được học nội trú khi lên cấp THPT.

Không vào được 2 trường PTDTNT cấp THPT, trên dưới 800 học sinh cấp THCS đã được nuôi dưỡng, đào tạo trong 4 năm cấp THCS sẽ đi đâu về đâu? Một số em sẽ nghỉ học giữa chừng do điều kiện kinh tế khó khăn, đó là tất yếu dù chưa có bất cứ một số liệu thống kê nào.

Với những em tiếp tục việc học, vẫn thuộc diện được thụ hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP thì thuê trọ nhà dân để ở, đối diện với nhiều hệ lụy. Cuối tháng 11/2017, ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An như “lên cơn sốt” trước tình trạng học sinh các trường THPT ở 6 huyện miền núi được hỗ trợ gạo đem gạo bán lại cho tư thương để lấy tiền.

“Nửa đường đứt gánh”

Phải khẳng định, học sinh được đào tạo trong các trường PTDTNT được xem là nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi. Nhưng do cấp THPT ít, trong khi cấp THCS nhiều nên không ít học sinh DTTS phải “nửa chừng đứt gánh”; kéo theo đó là một nguồn lực không hề nhỏ đã bị lãng phí.

Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, bình quân mỗi tháng, một học sinh được hỗ trợ 480 nghìn đồng và 15kg gạo. Quy thành tiền 10 nghìn đồng/kg gạo thì mỗi tháng một học sinh được hỗ trợ tổng số tiền 630 nghìn đồng; một năm học được 5,67 triệu đồng/học sinh; 4 năm cấp THCS, số tiền chi cho một học sinh nội trú cấp THCS là hơn 22 triệu đồng/học sinh.

Cụ thể ở Nghệ An, như đã nêu ở trên, mỗi năm có khoảng 800 học sinh các trường PTDTNT cấp THCS không thể vào trường PTDTNT cấp THPT. Việc học của trên dưới 800 học sinh cũng bất định như số tiền hơn 18 tỷ đồng đã chi hỗ trợ cho các em trong 4 năm học THCS.

Tính rộng ra, cả nước hiện có 314 trường PTDTNT; trong đó 54 trường cấp tỉnh, 260 trường cấp huyện, với quy mô đào tạo gần 95 nghìn học sinh. Nếu tính bình quân số tiền hỗ trợ cho mỗi em học sinh là 630 nghìn đồng/tháng thì mỗi tháng ngân sách chi gần 60 tỷ đồng, mỗi năm học chi gần 539 tỷ đồng.

Vậy có bao nhiêu học sinh được học tập 4 năm cấp THCS ở các trường PTDTNT không thể vào các trường PTDTNT cấp THPT? Bao nhiêu học sinh đã tốt nghiệp các trường PTDTNT cấp THCS nhưng không thể tiếp tục theo đuổi việc học hành?

Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể để trả lời những câu hỏi này. Chỉ biết rằng, theo tổng hợp của Vụ Giáo dục dân tộc-Bộ GD&ĐT, năm học 2017-2018, cả nước có 875.977 học sinh DTTS cấp THCS và 306.091 học sinh DTTS cấp THPT; tỷ lệ học sinh DTTS được học tập trong trường PTDTNT đạt trên 8% tổng số học sinh DTTS cấp THCS và THPT.

Tính ra, cả nước có khoảng 70.078 em được học tại các trường PTDTNT cấp THCS; trong khi đó chỉ khoảng 24.487 học sinh vào được các trường PTDTNT cấp THPT. Vậy là còn khoảng 45.600 học sinh các trường PTDTNT cấp THCS sau khi tốt nghiệp buộc phải rời môi trường nội trú để vào các trường công lập khác hoặc nghỉ học.

Không thể phủ nhận vai trò của hệ thống các trường PTDTNT trong việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi. Cũng chính từ những ngôi trường này, học sinh DTTS nhiều thế hệ đã phát triển cả trí tuệ lẫn thể chất, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng cũng như của đất nước. Nhưng để phát huy hiệu quả hơn nữa thì cần có cách làm căn cơ hơn.

Ví như cần hài hòa về số lượng các trường PTDTNT cấp THCS và cấp THPT. Tất nhiên, việc sửa đổi này cần thời gian và cần được nghiên cứu một cách kỹ càng. Trước mắt, để tránh lãng phí (cả công sức của học sinh cũng như nguồn ngân sách hỗ trợ) thì cần phân luồng học sinh trong các trường PTDTNT cấp THCS. Việc phân luồng học sinh sẽ góp phần định hướng tương lai cho các em, đồng thời giảm tải “đầu vào” cho các trường PTDTNT cấp THPT.

SỸ HÀO