Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo Yên - Điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp ở Lào Cai

Trọng Bảo - 15:22, 03/06/2021

Là huyện "cửa ngõ" của tỉnh Lào Cai, với trên 60% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, thời gian qua, huyện Bảo Yên đã có nhiều giải pháp, chương trình, dự án thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đánh thức tiềm năng đất đai. Bảo Yên đã trở thành điểm sáng của tỉnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Cây sả giúp cho bà con nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha
Cây sả giúp cho bà con nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha

Năm 2018, cây sả được đưa vào trồng trên đồng đất xã Xuân Thượng, để phục vụ cung cấp nguyên liệu chiết xuất tinh dầu. Tham gia dự án này, người dân được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, và được nhà máy chiết xuất tinh dầu thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường. Cây sả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt.

“Mỗi héc ta sả cho thu nhập từ 80-120 triệu đồng; như vậy là cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, lúa hay các cây trồng truyền thống trước đây. Đặc biệt, giá trị từ cây sả đã làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con”, ông Nguyễn Văn Dùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng chia sẻ.

Từ thành công ban đầu ở Xuân Thượng, đến nay, diện tích trồng sả trên địa bàn huyện Bảo Yên đã được mở rộng ra các xã Vĩnh Yên, Tân Dương, Xuân Hòa, Nghĩa Đô, Phúc Khánh. Tổng diện tích cây sả đã và đang cho thu hoạch đạt 300 ha, năng suất năm đầu bình quân đạt 30-35 tấn lá, từ năm thứ hai đạt trên 70 tấn lá tươi/1ha.

Tại hai xã Xuân Hòa và Lương Sơn, hơn 300 hộ dân ở đây cũng đang được hưởng lợi nhờ tham gia Dự án xây dựng vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự án này được thực hiện theo phương thức Nhà nước hỗ trợ 100% các hoạt động dự án như: Khảo sát dự án, lập bản đồ quy hoạch, chi phí tập huấn lần đầu, chi phí phân tích mẫu đất, nước và sản phẩm chè, xây bể thu gom bao bì, rác thải thuốc bảo vệ thực vật, chi phí đánh giá lập hồ sơ chứng nhận... 

Sau hai năm triển khai, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần tăng năng suất chè từ 4-8 tạ/ha/năm. Như vậy, khi tham gia dự án thu nhập của người dân tăng thêm từ 5-9 triệu đồng/ha chè.

Việc đưa các dự án sản xuất nông nghiệp vào triển khai trên địa bàn huyện Bảo Yên đã từng bước thay đổi tập quán canh tác của bà con nơi đây; từ nhỏ lẻ, manh mún sang đại trà theo hướng hàng hóa. Hiện nay, thu nhập bình quân trên một héc ta canh tác của Bảo Yên đã đạt gần 80 triệu đồng/ha, là một trong những địa phương có thu nhập trên cùng diện tích canh tác cao nhất tỉnh Lào Cai.

Dự án nuôi dê ở xã Lương Sơn
Dự án nuôi dê ở xã Lương Sơn

Ông Hà Văn Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, cho biết: Qua triển khai hầu hết các dự án đều phát huy hiệu quả; tất nhiên, trong quá trình triển khai dự án, đều xuất phát từ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân. Vì vậy, khi triển khai được Nhân dân đồng thuận, nhất trí cao.

Điển hình như Dự án phát triển trồng chanh leo thực hiện từ năm 2019, tại 3 xã Điện Quan, Thượng Hà, Phúc Khánh. Tham gia dự án này người dân được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% giá mua cây giống, kinh phí khảo sát địa điểm thực hiện, tập huấn kỹ thuật từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, huyện cũng hỗ trợ 300 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Đến nay, cây chanh leo sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu tại địa bàn huyện, cho năng suất trung bình 20 tấn/ha, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, mỗi ha cho thu nhập đạt 300 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với các dự án trồng trọt, các mô hình, dự án chăn nuôi cũng được huyện Bảo Yên triển khai. Dự án Phát triển chăn nuôi gà thả đồi huyện Bảo Yên, triển khai từ năm 2017 tại 4 xã Bảo Hà, Kim Sơn, Tân Dương, Minh Tân có thể được xem là hiệu quả nhất. Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật phòng bệnh...

Quan trọng hơn, dự án cũng đã làm thay đổi phương thức chăn nuôi bao đời nay của bà con, từ chăn nuôi thả rông, tự cung tự cấp sang sản xuất tập trung. Qua đó, tăng giá trị sử dụng tài nguyên đất đai, từng bước cải thiện môi trường sống vùng nông thôn, tạo sản phẩm hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện.