Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo vệ và phát triển rừng bền vững ở Nghệ An: Cộng đồng “sống khỏe” (Bài 2)

Nguyễn Thanh - 15:45, 20/08/2023

Rừng đang ngày một nhiều hơn. Bằng chứng là tỷ lệ che phủ đang tăng thêm ở những cánh rừng do cộng đồng quản lý. Rừng giàu, người dân không chỉ được hưởng lợi từ kinh phí khoán bảo vệ rừng mà còn có thể phát triển kinh tế từ trồng xen canh và dưới tán rừng , tận thu lâm sản phụ để tăng thu nhập, đảm bảo chi phí ổn định cuộc sống...

Nhờ được bảo vệ mà rừng săng lẻ ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương ngày một xanh tốt
Nhờ được bảo vệ mà rừng săng lẻ ở xã Tam Đình, huyện Tương Dương ngày một xanh tốt

Những lợi ích từ bảo vệ rừng 

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, mô hình bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng ở thôn 1 xã Lĩnh Sơn (huyện Anh Sơn) đang đem lại hiệu quả thực sự. Những hộ dân tham gia bảo vệ rừng cộng đồng ở thôn 1 đều nhấn mạnh: rừng được giữ và phát triển nên ngoài tiền giao nhận khoán, người dân còn được hưởng lợi từ thu hái lâm sản phụ, từ trồng các loại cây ăn quả xen canh nên cuộc sống đã ổn định hơn.

Tại Nghệ An, số đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2022, gồm 20.938 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng với số tiền được chi trả 27 tỷ đồng và 1.310 hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng, với số tiền được chi trả là 52 tỷ đồng (các đối tượng bảo vệ rừng chủ yếu là người đồng bào DTTS).

Lâu nay, chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý đã tạo bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư. Từ đó, rừng được bảo vệ một cách hiệu quả hơn; giảm thiểu và chấm dứt nạn phát rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân.

Người dân Nghệ An nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng
Người dân phấn khởi nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

Theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, việc giao đất giao rừng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân khi hưởng lợi từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Bởi giao rừng cho cộng đồng quản lý, chính là xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng, làm cho rừng có chủ thực sự. Qua đó, gắn quyền lợi với trách nhiệm để cộng đồng phấn khởi cùng tham gia bảo vệ rừng, và được hưởng lợi ích từ chi trả các dịch vụ môi trường rừng và các chính sách của nhà nước hỗ trợ bảo vệ rừng.

Mặc dù, chủ trương giao rừng, giao đất cho cộng đồng, hộ gia đình đã có bước chuyển biến rõ nét, tuy nhiên việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sau khi giao vẫn còn một số hạn chế nhất định, như một số diện tích sử dụng sai mục đích, thu nhập từ rừng chưa tương xứng, xâm lấn đất rừng vẫn còn xảy ra… 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng mô hình giữ rừng dựa vào cộng đồng ở thôn 1, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn rất hiệu quả và người dân phải thay đổi tư duy trong quản lý và bảo vệ rừng
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (thứ 3 bên trái) nhấn mạnh rằng, mô hình giữ rừng dựa vào cộng đồng ở thôn 1, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn rất hiệu quả và người dân phải thay đổi tư duy trong quản lý và bảo vệ rừng

Thay đổi tư duy quản lý, bảo vệ rừng 

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với gần 1,2 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh (diện tích quy hoạch rừng phòng hộ 365.400 ha, rừng đặc dụng 172.300 ha, rừng sản xuất trên 622.300 ha). Hiện toàn tỉnh có khoảng 1 triệu ha rừng (trong đó, rừng tự nhiên 789.000 ha và rừng trồng 211.000 ha), độ che phủ rừng năm 2022 là 58,36%.

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An vào cuối tháng 7/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, người dân chính là chủ rừng, vì vậy người dân thực hiện bảo vệ rừng không phải chỉ vì kinh phí được giao khoán, mà chính là đang thực hiện bảo vệ nguồn tài nguyên cho chính mình, con cháu mình sau này.

"Rừng là vàng, nhưng người giữ rừng vẫn nghèo"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt câu hỏi vì sao như vậy? Theo Bộ trưởng, để bớt nghèo, ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp phải có hoạch định cụ thể, đặt ra mục tiêu là làm thế nào để giữ được rừng, nhưng rừng phải nuôi được người bảo vệ. 

“Giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành phương thức quản trị, đó là chú trọng phát triển kinh tế từ rừng để tạo ra sản phẩm có giá trị. Bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách, mà cần có cách tiếp cận hài hoà, đồng bộ, rộng mở với người dân, gần gũi với cộng đồng thì mới tạo được tính đoàn kết trong Nhân dân, kêu gọi bà con cùng chung tay bảo tồn và phát triển kinh tế rừng; phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xác định diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Kỳ Sơn
Xác định diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Kỳ Sơn

Thực tế cho thấy, chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý đã tạo bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư. Từ đó, rừng được bảo vệ một cách hiệu quả hơn; giảm thiểu và chấm dứt nạn phát rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân. Việc thu hút người dân, đặc biệt là các cộng đồng đồng bào DTTS vào tiến trình quản lý rừng là hết sức cần thiết.

Mặc dù việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sau khi giao vẫn còn một số hạn chế, như một số diện tích sử dụng sai mục đích, thu nhập từ rừng chưa tương xứng, xâm lấn đất rừng vẫn còn xảy ra… song chủ trương giao rừng, giao đất cho cộng động, hộ gia đình đã có bước chuyển biến rõ nét.

Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ rừng tại Nghệ An
Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ rừng tại Nghệ An

Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ chính sách giao rừng, giao đất, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt giao chỉ tiêu thực hiện thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tình Nghệ An đợt 1 năm 2023. 

Theo đó, tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án khoảng 10 tỷ đồng, với tổng diện tích giao 25.093,279ha, trong đó: Giao rừng trên đất lâm nghiệp đã giao hoặc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 8.966,769ha; giao rừng đồng thời gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 16.126,510ha. 

Đối tượng hưởng lợi của đề án là người dân bản địa, cộng đồng đồng bào DTTS trên địa bàn. Mục tiêu của đề án là phát huy nội lực của cộng đồng/hộ gia đình, có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình hướng đến thu nhập khá và ổn định từ kinh tế rừng. Đồng thời, giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng, chấm dứt tình trạng phá rừng làm rẫy…