Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo vệ những "báu vật" của thời gian ở Quảng Ninh

Mỹ Dung - 12:05, 21/08/2024

Hiện nay Quảng Ninh có 162 cây di sản được công nhận. Bảo tồn cây di sản không chỉ góp phần giáo dục cho cộng đồng biết trân quý những giá trị lịch sử, mà còn là bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản được tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm
Bảo tồn và phát huy giá trị cây di sản được tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm

“Báu vật” của thời gian

Cây di sản là những cây thân gỗ lớn, có tuổi đời trên 100 năm đối với cây trồng và trên 200 năm đối với cây tự nhiên và có những giá trị về cảnh quan, môi trường, khoa học, văn hóa, lịch sử nhất định... được cộng đồng đề xuất, được chủ sở hữu cây đăng ký, và được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận. Cây di sản không đơn thuần là một cá thể thực vật, mà nó có quá trình gắn bó với văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Hiện Quảng Ninh có 162 cây di sản, chủ yếu gắn liền với các địa danh, đền, chùa lớn, với hàng trăm cây có tuổi đời 100 năm trở lên ở Cẩm Phả, Yên Tử (TP. Uông Bí), Quảng Yên..., có những giá trị lớn về mặt khoa học, văn hóa, lịch sử, tôn giáo...

144 cây di sản ở Yên Tử trở thành một phần quan trọng của khối di sản đồ sộ Yên Tử
144 cây di sản ở Yên Tử trở thành một phần quan trọng của khối di sản đồ sộ Yên Tử

Rừng Quốc gia Yên Tử gắn với Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử và vị vua hóa Phật Trần Nhân Tông - người sáng lập Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây không chỉ có hệ thống di sản chùa tháp dày đặc, giá trị lớn, mang đậm dấu ấn văn hóa đời Trần mà còn rất nhiều những đại lão mai vàng, những cây tùng, cây đại hàng trăm năm tuổi, những cây thông nhựa khổng lồ, những cây gỗ lớn cổ thụ… 144 cây di sản ở Yên Tử được ví như lớp trầm tích của thời gian, mang trong mình những giá trị riêng có, trở thành một phần quan trọng của khối di sản đồ sộ Yên Tử.

Ông Lê Trọng Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, chủ đầu tư Khu du lịch văn hóa Yên Tử, cho biết: Rừng Yên Tử nói chung và những cây di sản ở Yên Tử nói riêng, là vành đai bảo vệ di tích Yên Tử, là phần rất quan trọng của khối di sản Yên Tử.

Nằm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông – Cặp Tiên, TP. Cẩm Phả có 16 cây di sản với các thông số về chu vi, đường kính, chiều cao và phủ tán rất đáng để chiêm ngưỡng. Theo ông Bùi Xuân Hẹn, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên, việc công nhận cây di sản Việt Nam sẽ góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật hiếm; góp phần xây dựng ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về bảo vệ cảnh quan, môi trường...; đồng thời, những cây di sản cũng tạo ra điểm nhấn thu hút du khách tìm về với di tích Đền Cửa Ông.

Dư địa để Quảng Ninh có thêm những cây di sản

Rừng trâm cổ trên đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn) có diện tích trên 3,4ha. Dựa trên những thông tin của người dân địa phương cung cấp và những luận chứng khoa học, thì rừng trâm có tuổi đời đến 300 năm, cây khỏe khoắn, đan cài vào nhau, cùng nhau chắn gió bão, chắn cát, chắn sóng biển bảo vệ vùng đất liền phía trong đảo, giúp người dân đảo Minh Châu yên tâm dựng xây nhà cửa và canh tác chăn nuôi, trồng trọt, ổn định cuộc sống.

Không những vậy, rừng trâm cổ với hàng trăm cây có tuổi đời hàng trăm năm đang góp phần đưa đảo Minh Châu trở thành điểm đến thú vị thu hút khách du lịch. Đây cũng là lý do để Quảng Ninh lựa chọn và đề nghị công nhận quần thể rừng trâm Minh Châu là cây di sản Việt Nam.

Ông Khúc Thành Liêm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Châu chia sẻ: Khi lập hồ sơ di sản cho quần thể cây trâm cổ tại Minh Châu, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tuyên truyền cho Nhân dân về tầm quan trọng, giá trị lịch sử, sự độc đáo của rừng trâm để người dân biết đây là tài sản quý của địa phương cần được giữ gìn, bảo vệ.

Rừng trâm cổ trên đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn đang được tỉnh Quảng Ninh làm hồ sơ đề nghị công nhận cây di sản
Rừng trâm cổ trên đảo Minh Châu, huyện Vân Đồn đang được tỉnh Quảng Ninh làm hồ sơ đề nghị công nhận cây di sản

Hay như cây trai lý ở khu vực tiểu khu 201 Máng Hà Nam, thuộc đảo đá trên Vịnh Bái Tử Long đang được tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận cây di sản. Bằng những biện pháp khoa học, độ tuổi của cây trai lý được xác định trên 500 năm, đã chứng kiến những chuyển đổi nhất định của địa chất, khí hậu và sự sống của các loài thực vật quanh nó tại khu vực đảo đá Vịnh Bái Tử Long.

Theo ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh), với diện tích rừng rộng lớn và được bảo vệ tốt, hệ thống nhiều di tích thắng cảnh, gắn với đó là hệ thống những cây xanh to lớn, lâu đời, chắc chắn danh sách những cây di sản ở Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng lên.

Việc công nhận cây di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) của BCH Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững"; trong đó có nội dung về Bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị các di sản văn hóa Quảng Ninh, các công trình kiến trúc, cảnh quan mang bản sắc văn hóa truyền thống, đặc trưng...

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Chương trình MTQG 1719 góp phần giữ vững, nâng chất tiêu chí NTM ở vùng biên giới biển tỉnh Sóc Trăng

Thị xã Vĩnh Châu nằm ở khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống (chiếm hơn 70% dân số), trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 53%. Những năm qua, triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng nông thôn của thị xã đã đổi thay đáng kể, cuộc sống của đồng bào đã ấm no và đang ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ lồng ghép từ Chương trình góp phần giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới.