Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc rất ít người: Chạy đua cùng thời gian

PV - 09:54, 25/05/2018

Văn hóa truyền thống các dân tộc rất ít người đã và đang biến mất là một thực tế. Dù đã có nhiều giải pháp được các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương triển khai nhưng làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc ít người vẫn còn là bài toán nan giải.

Bài cuối: Muộn còn hơn không

Đi trước về sau

Hàng chục năm nay, mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào các DTTS, nhất là các dân tộc rất ít người, đã được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chủ trương nhất quán này đã được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ.

Đáng chú ý, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS Việt Nam đến năm 2020” tại Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011. Đề án được bố trí hơn 1.500 tỷ đồng để thực hiện; trong đó tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các DTTS rất ít người, các dân tộc không có điều kiện tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.

Nhà ở truyền thống của dân tộc Bố Y được phục dựng ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Nhà ở truyền thống của dân tộc Bố Y được phục dựng ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội).

Năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phê duyệt Dự án “Bảo tồn khẩn cấp và hỗ trợ, tăng cường năng lực bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, bài trừ hủ tục ở vùng đồng bào DTTS”. Dự án được triển khai từ năm 2013 đến năm 2020, với mục tiêu bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc rất ít người. Cùng với việc triển khai chính sách, ngành Văn hóa cũng đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn để tìm cách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người.

Tuy nhiên, kết quả bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người không mấy khả quan. Như đã phản ánh trong các số báo trước, nhiều giá trị bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc rất ít người không còn là nguy cơ mai một nữa mà thực sự đã biến mất.

Đó là tiếng nói của người Tu Dí ở Lào Cai (một nhánh địa phương của người Bố Y) đã không còn tồn tại cách đây hơn 50 năm. Nhiều dân tộc như: Si La, Cống, Lự, Ơ đu,… không có chữ viết nên việc lưu truyền văn hóa rất khó khăn.

Không chỉ ngôn ngữ mà các giá trị văn hóa vật thể của các dân tộc rất ít người cũng bị rơi rụng, biến dạng nghiêm trọng. Từ trang phục, không gian văn hóa truyền thống cho đến nhà ở, dụng cụ sinh hoạt-sản xuất,… của nhiều dân tộc rất ít người đã thực sự mai một. Cá biệt có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống.

Cần một cách làm khác

Thực tế, để phát triển toàn diện các dân tộc rất ít người, trong đó có bảo tồn văn hóa truyền thống, nhiều đề án, dự án đã được ban hành. Tuy nhiên, số kinh phí dành cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc rất ít người rất thấp.

Hầu hết các chính sách đã và đang đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào các dân tộc rất ít người trong nhiều năm qua đều chú trọng bố trí kinh phí thực hiện phát triển kinh tế. Nguồn lực của các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào các dân tộc rất ít người thường không nhiều, lại được bố trí để đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất (vốn dĩ đã có trong nhiều chương trình lớn như Chương trình 30a, Chương trình 135,…).

Trong khi đó, thực tế cho thấy, các dân tộc rất ít người không những đang đứng trước bờ vực của sự “thất truyền” bản sắc văn hóa mà còn ngày càng tụt hậu về kinh tế. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS, thu nhập bình quân của các dân tộc rất ít người hiện rất thấp, chưa được 1 triệu đồng/người/tháng; dân tộc Mảng thấp nhất với mức 436 nghìn đồng/người/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân của 53 DTTS đạt ở mức xấp xỉ 1,2 triệu đồng/người/tháng; còn mức bình quân chung của cả nước là hơn 4,45 triệu đồng/người/tháng.

Những vướng mắc trong việc thực hiện phát triển toàn diện vùng đồng bào các dân tộc rất ít người đã được chỉ ra. Nhưng không hiểu sao, trong kế hoạch những năm tới, nhất là việc triển khai Quyết định 2086/QĐ-TTg về Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025, không ít địa phương lại tiếp tục chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mà ít quan tâm bố trí kinh phí bảo tồn văn hóa.

Như tỉnh Kon Tum, tháng 9/2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Rơ Măm giai đoạn 2017-2025, với tổng kinh phí 90,883 tỷ đồng. Trong đó kinh phí dành cho bảo tồn văn hóa truyền thống chỉ được hơn 7,3 tỷ đồng. Riêng hạng mục hỗ trợ 01 điểm bảo tồn kiến trúc truyền thống đã hết 5 tỷ đồng; các hạng mục còn lại (bảo tồn nghề truyền thống, phục dựng 4 lễ hội, khôi phục chế tác nhạc cụ, duy trì đội văn nghệ, nghiên cứu, sưu tầm xây dựng bộ chữ cái và biên soạn từ điển ngôn ngữ của dân tộc Rơ Măm,… ) chỉ được bố trí hơn 2,3 tỷ đồng (!).

Trên thực tế, bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS nói chung là việc rất gian nan, nhất là trong điều kiện giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Đặc biệt, với cộng đồng các dân tộc rất ít người, do dân số không nhiều, việc gia tăng dân số không đáng kể nên công tác bảo tồn văn hóa truyền thống đã khó lại càng thêm khó.

Nhưng khó không có nghĩa là không làm; bởi dù là thiểu số nhưng văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người là một phần không thể tách rời của nền văn hóa đậm đà bản sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Điều cần thiết lúc này là các cấp, ngành liên quan, từ Trung ương đến địa phương cần phải có cách làm khác trong phát triển toàn diện các dân tộc rất ít người, nhất là việc bố trí nguồn lực đủ mạnh để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào. Việc làm này dù có muộn còn hơn không.

SỸ HÀO