Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Bảo tồn văn hóa dân tộc La Chí ở Bắc Hà (Lào Cai): Kết nối giá trị truyền thống vào dòng chảy cuộc sống đương đại

Hào Hương - 13:17, 29/10/2024

Ở Lào Cai, đồng bào La Chí sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện Bắc Hà. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án để khôi phục và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc La Chí. Với cách làm sáng tạo, công tác bảo tồn văn hóa dân tộc La Chí ở huyện Bắc Hà đã góp phần kết nối giá trị truyền thống vào dòng chảy cuộc sống đương đại.

Từ những công cụ thô sơ cùng bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc La Chí, bộ trang phục truyền thống dù mang màu chàm mộc mạc, nhưng vẫn rất tinh tế trong từng đường khâu, mũi chỉ.
Từ những công cụ thô sơ cùng bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc La Chí, bộ trang phục truyền thống dù mang màu chàm mộc mạc, nhưng vẫn rất tinh tế trong từng đường khâu, mũi chỉ

Gìn giữ văn hóa từ nghề truyền thống

Trong 14 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện Bắc Hà, La Chí là dân tộc có dân số ít nhất. Đồng bào dân tộc La Chí ở huyện Bắc Hà sinh sống tập trung đông nhất ở xã Nậm Khánh, với khoảng 68 hộ/398 nhân khẩu; chủ yếu định cư ở 3 thôn Nậm Khánh, Nậm Táng và Mà Phố.

Theo ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin, trong đời sống văn hóa, đồng bào La Chí có nhiều bản sắc truyền thống rất đặc trưng. Đặc biệt, nghề trồng bông dệt vải và nghệ thuật tạo hình trang phục truyền thống của người La Chí đã góp phần làm cho sắc màu các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và đầy màu sắc.

Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu các DTTS huyện Bắc Hà lần thứ IV – năm 2024, toàn huyện có 67.547 nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm trên 84% dân số; trong đó, dân tộc Mông chiếm 44,15%, Tày 11,18%, Nùng 9,2%, Dao 14,07%. Các dân tộc khác chiếm 2,37% dân số toàn huyện, trong đó có dân tộc La Chí.

“Đồng bào La Chí luôn trân trọng bộ trang phục của mình và thường dành phần đất tốt nhất để trồng bông, trồng cây chàm để dệt và nhuộm vải. Cũng từ đó, nghề trồng bông dệt vải đã trở thành một trong những nét đặc sắc của dân tộc La Chí”, ông Vinh chia sẻ.

Trang phục của người La Chí không sặc sỡ, nhưng lại rất tỉ mỉ về họa tiết và đường nét. Họa tiết hoa văn cơ bản trên trang phục của người La Chí là hoa văn thêu chỉ và hoa văn ghép vải; trong đó, hoa văn ghép vải được xem là tinh hoa của nghệ thuật trang phục truyền thống La Chí. Các mẫu hoa văn ghép vải chủ yếu là các đường viền, hoa văn hình tam giác cân với các màu sắc chủ đạo là màu đỏ và màu tím, nổi bật trên sắc chàm của màu áo.

Không cầu kỳ, nhưng để làm được một bộ quần áo truyền thống của đồng bào La Chí phải qua nhiều công đoạn, từ trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm, may thêu… Từ tháng 1, tháng 2, người La Chí đã trồng bông; đến tháng 8, tháng 9 thì bắt đầu vào mùa bật bông dệt vải, kéo sợi, dệt vải và may trang phục... Để hoàn thành một bộ trang phục, phụ nữ La Chí cũng mất khoảng vài tháng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đang khiến nghề truyền thống của đồng bào La Chí ở huyện Bắc Hà đang mai một dần.

“Mặc dù bà con rất có ý thức gìn giữ bản sắc truyền thống, nhưng nguy cơ mai một, thậm chí biến mất nghề trồng bông, dệt vải của người La Chí ở Bắc Hà đang hiện hữu. Trong dòng chảy của kinh tế thị trường, tất cả váy áo, trang phục đều có thể dễ dàng mua ngoài chợ, rất tiện lợi và chi phí rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm người dân làm ra”, ông Vinh cho biết.

Nghề trồng bông, dệt vải và nghệ thuật tạo hình trang phục truyền thống của người La Chí đã góp phần làm cho sắc màu các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và đầy màu sắc.
Nghề trồng bông, dệt vải và nghệ thuật tạo hình trang phục truyền thống của người La Chí đã góp phần làm cho sắc màu các dân tộc Việt Nam thêm phong phú, đa dạng và đầy màu sắc

Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống của đồng bào dân tộc La Chí, ngành Văn hóa tỉnh Lào Cai đã phối hợp cùng huyện Bắc Hà triển khai nhiều hoạt động để khôi phục, phát triển nghề truyền thống của đồng bào. Đặc biệt, triển khai Đề án số 03-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Phát triển Văn hóa - Du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2025”, tỉnh tiến hành tổng kiểm kê trang phục và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức sưu tầm chụp ảnh tổng thể y phục, trang sức, mẫu hoa văn 12 dân tộc phục vụ trưng bày, trải nghiệm.

Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà, ông Bùi Văn Vinh, đối với dân tộc La Chí, thực hiện kế hoạch của tỉnh, huyện phối hợp với Sở Văn hóa tiến hành tổng kiểm kê trang phục năm 2021; công tác sưu tầm chụp ảnh tổng thể y phục, trang sức, mẫu hoa văn trang phục của đồng bào La Chí cũng đang được triển khai.

“Trong kế hoạch thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, UBND tỉnh đặt nhiệm vụ khôi phục, bảo tồn trang phục của 5 dân tộc có nguy cơ mai một cao; trong đó có dân tộc La Chí ở xã Nậm Khánh của huyện Bắc Hà”, ông Vinh cho biết.

Phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể

Cùng với nghề trồng bông dệt vải và nghệ thuật tạo hình trang phục truyền thống, đồng bào dân tộc La Chí còn có nhiều nét bản sắc văn hóa đặc trưng, cùng với các dân tộc khác làm nên bức tranh văn hóa đa sắc màu trên địa bàn huyện Bắc Hà. Trong đó, Tết tháng Bảy (Khu Cù Tê) là lễ hội độc đáo, có ý nghĩa rất quan trọng trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào La Chí.

Tết tháng Bảy (Khu Cù Tê) của dân tộc La Chí là nghi lễ quan trọng nhất trong năm, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; đặc biệt là tưởng nhớ đến công lao của người tộc trưởng Hoàng Vần Thùng đã truyền dạy nghề nông cho người La Chí.

Theo ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, năm 2015, Tết tháng Bảy của dân tộc La Chí đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hiện cộng đồng người La Chí tại xã Nậm Khánh vẫn duy trì Tết tháng Bảy.

Tuy nhiên, qua thời gian, bản sắc văn hoá của đồng bào có phần dần mai một. Hiện nay, số người làm nghề thầy cúng và biết cúng trong ngày Tết không nhiều và cũng đã cao tuổi; còn rất ít người biết dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc La Chí...

Chính vì vây, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào La Chí đã và đang được tỉnh Lào Cai, huyện Bắc Hà đặc biệt quan tâm. 

Trong Đề án 03-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về “Phát triển Văn hóa - Du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2025” đã đặt ra nhiệm vụ bảo tồn lễ hội, phong tục tập quán tiêu biểu phục vụ phát triển du lịch; một trong 06 lễ hội, phong tục tập quán được quan tâm bảo tồn theo Đề án số 03-ĐA/TU là Tết tháng Bảy của đồng bào La Chí ở huyện Bắc Hà.

Bảo tồn văn hóa dân tộc La Chí ở Bắc Hà (Lào Cai): Kết nối giá trị truyền thống vào dòng chảy cuộc sống đương đại 2
Thi hát trong ngày tái hiện Tết tháng Bảy của đồng bào Lai Chí ở thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà

Để thực hiện chủ trương của tỉnh, thời gian qua, huyện Bắc Hà đã triển khai nhiều hoạt động để phục dựng, bảo tồn, phát huy giá trị Tết tháng Bảy của đồng bào dân tộc La Chí. Một khó khăn trong công tác phục dựng là dân số đồng bào dân tộc La Chí trên địa bàn huyện không nhiều; cùng với sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, nhiều lễ nghi, tập tục gốc trong Tết tháng Bảy đã mai một, chủ yếu được lưu giữ trong “tư liệu sống” là những người cao tuổi.

Theo ông Vương Chiến Thanh, sinh năm 1966, Bí thư Chi bộ - Người có uy tín thôn Nậm Táng (nguyên Chủ tịch UBND xã Nậm Khánh), gần 50 năm trước, 6 hộ người dân tộc La Chí ở xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã di cư về thôn Nậm Táng để sinh sống. Đến nay, dân số người La Chí ở xã Nậm Khánh tăng lên, nhưng không nhiều. Vì vậy, để phục dựng lại đúng “gốc” Tết tháng Bảy của người La Chí thì phải tìm hiểu từ Hà Giang, nơi người La Chí di cư sang Bắc Hà.

Bảo tồn văn hóa dân tộc La Chí ở Bắc Hà (Lào Cai): Kết nối giá trị truyền thống vào dòng chảy cuộc sống đương đại 3
Thi đấu các môn thể thao truyền thống (đẩy gậy) trong ngày tái hiện Tết tháng Bảy của đồng bào La Chí ở thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà

Góp ý của ông Thanh cũng là định hướng của huyện Bắc Hà khi bắt tay vào phục dựng, bảo tồn Tết tháng Bảy của đồng bào La Chí. Theo Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, ông Nguyễn Duy Hòa, huyện đã tiến hành khảo sát rất kỹ, xin ý kiến của người dân, sau đó xây dựng kế hoạch và thống nhất trong tập thể lãnh đạo huyện. Sau đó, huyện đã mời nghệ nhân được công nhận là nghệ nhân ưu tú bên Hà Giang sang để khôi phục lại Tết tháng Bảy truyền thống của đồng bào dân tộc La Chí trên địa bàn.

Với nỗ lực của huyện và nguồn vốn từ Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, Tết tháng Bảy (Khu Cù Tê) của đồng bào La Chí ở huyện Bắc Hà đã được phục dựng nguyên bản. Ngày 26/7/2023, tại thôn Mà Phố, xã Nậm Khánh, Tết tháng Bảy của đồng bào đã được tái hiện với những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc nguyên sơ, độc đáo.

Giai đoạn 2021 – 2025, La Chí là một trong 32 dân tộc còn nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, năm 2019, theo điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS thì dân tộc La Chí có dân số khoảng 15.126 người (trong đó, nam: 7.523 người và nữ: 7.603 người). 

Tin cùng chuyên mục
Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Huyện Văn Lãng (Lạng Sơn): Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong nhà trường

Ngày 4/12, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị truyền thông tuyên truyền “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở xã Bắc La.