Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng phụ thuộc vào chủ thể là đồng bào DTTS

Lê Hường (Thực hiện) - 10:14, 30/10/2022

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS, Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh Đắk Lắk, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp thực tế. Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết 05 và 10 của HĐND tỉnh về Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020 và 2022 - 2025. Từ đó, không chỉ văn hóa cồng chiêng mà nhiều bản sắc, di sản văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được giữ gìn, phát huy. Ông Đặng Gia Duẩn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển xung quanh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian của tỉnh.

Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk

Thưa ông, xin ông cho biết Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng đã tác động trong các cấp, các ngành và Nhân dân như thế nào?

Cùng sở hữu di sản phi vật thể đại diện của nhân loại là không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên được UNESCO ghi danh, nhưng Đắk Lắk là tỉnh duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên, đến nay đã có 5 nghị quyết của HĐND tỉnh, trong đó có 4 nghị quyết chính thức và 1 nghị quyết kéo dài thêm. Điều đó thể hiện sự quan tâm cụ thể của HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đối với văn hóa cồng chiêng.

Về mặt tổng thể, phải khẳng định rằng, Nghị quyết 05 đã tạo ra hành lang pháp lý, tạo động lực, cơ sở để các cấp các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh quan tâm bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Nếu như trước đây, việc bảo tồn phát huy văn hóa chưa được thật sự quan tâm, sau khi triển khai thực hiện nghị quyết, với những kế hoạch cụ thể của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các văn bản liên quan, thì các địa phương đã vào cuộc một cách cụ thể, mạnh mẽ.

Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng nghị quyết, kế hoạch riêng để triển khai thực hiện, có những địa phương đã suy nghĩ táo bạo trong thực hiện của nghị quyết này. Thực hiện nghị quyết không chỉ đơn giản cấp chiêng, cấp trang phục, phục dựng nghi thức, nghĩ lễ và các hoạt động văn hóa dân gian liên quan mà còn chuyển biến cả về mặt nhận thức.

Một kết quả đáng quan tâm nữa, trước đây chúng ta nghe nói đến nạn chảy máu cồng chiêng, nhưng nạn chảy máu cồng chiêng giờ đây gần như không còn.

Ông đánh giá như thế nào về sức ảnh hưởng của văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng và việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian?

Phải khẳng định rằng, văn hóa cồng chiêng là nền tảng, động lực để góp phần bảo tồn giá trị các văn hóa khác. Tuy nhiên, chúng ta không nên tư duy chỉ chăm chăm vào văn hóa cồng chiêng.

Đắk Lắk có đến 49 dân tộc cùng sinh sống, các dân tộc đến từ khắp các địa phương trong cả nước. Cùng với văn hóa các DTTS tại chỗ, các dân tộc khác đến đây sinh sống đều mang theo văn hóa riêng. Đắk Lắk không chỉ có văn hóa cồng chiêng mà văn hóa của các vùng miền Bắc Trung Nam, tất cả đều được tái hiện, được bảo tồn và phát huy thông qua các nghi thức, nghi lễ, lễ hội truyền thống của các vùng miền.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang được bảo tồn và phát huy
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang được bảo tồn và phát huy

Hiện nay, Đắk Lắk cũng đang sở hữu những vốn văn hóa quý như Lễ hội lồng tồng ở Cư M’gar, Ngày hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở Krông Năng hay là Lễ hội Hảng Pồ ở Buôn Hồ, Hội Vật ở Vụ Bổn - Krông Pắk… 

Đặc biệt, Đắk Lắk là địa phương duy nhất trên cả nước hiện nay có Lễ hội chọi bò của người Mông ở Cư Pui, Krông Bông. Đó là những giá trị văn hóa mà các nhà chuyên môn đang đặt vấn đề, để Đắk Lắk làm hồ sơ di sản phi vật thể quốc gia trong thời gian tới. “Chúng tôi đang nỗ lực để tất cả các nét đẹp, những cái hay, cái độc đáo, đặc sắc của văn hóa các dân tộc đều được thể hiện, tái hiện và góp phần bảo tồn và phát huy chứ không riêng văn hóa cồng chiêng”.

Hiện nay, tiếp theo Nghị quyết 05, Đắc Lắk đã có Nghị quyết 10 về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng, với đặt ra những mục tiêu lớn, bao trùm hơn. Để đạt được mục tiêu của Nghị quyết 10, theo ông đâu là yếu tố then chốt ?

Mục tiêu của của Nghị quyết 10 rất lớn, rất bao trùm, đòi hỏi có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn thể các lực lượng. Tuy nhiên, tôi cho rằng yếu tố then chốt để thực hiện thành công các mục tiêu, vẫn là chủ thể của văn hóa cồng chiêng, đó chính là đồng bào DTTS-người đang sở hữu văn hóa cồng chiêng. 

Nếu như chúng ta tận dụng tất cả các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội hóa cho việc này, mà chủ thể không mặn mà không thực sự vào cuộc, không có tránh nhiệm thì cũng khó đạt được kết quả. Hiện nay, tỉnh cũng đã nỗ lực, tuy nhiên nguồn lực để thực hiện nghị quyết, các kế hoạch của nghị quyết thì còn khiêm tốn. Ngành văn hóa đang cố gắng mời gọi xã hội hóa và lồng ghép vào những nội dung khác, như Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, Liên hoan văn hóa cồng chiêng, Ngày hội văn hóa các dân tộc toàn tỉnh… Đó là cách làm linh hoạt và đạt hiệu quả tích cực.

Như tôi đã nói, mục tiêu cuối cùng, không phải là việc cấp được bao nhiêu bộ chiêng, bao nhiêu bộ trang phục, mà ngành Văn hóa, thể thao và du lịch mong muốn các chủ thể của văn hóa là đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, chủ thể của văn hóa cồng chiêng thật sự cảm nhận rằng vốn quý văn hóa mà họ đang sở hữu, hơn ai hết chính bản thân họ phải yêu quý nó, phải giữ gìn nó, phải phát triển nó. Còn các hỗ trợ của cơ quan nhà nước chỉ là hỗ trợ vào nền tảng để động viên, tạo động lực.

Khi một cộng đồng DTTS ở địa phương một buôn, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, và cộng đồng ở đó sử dụng cồng chiêng để tái hiện những nghi thức, nghi lễ của chính họ, thì có nghĩa rằng cồng chiêng không thể thiếu được trong đời sống của họ, khi đó công tác bảo tồn phát huy văn hóa cồng chiêng mới đạt kết quả cao nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!