Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn ngôn ngữ các DTTS trong xu thế hội nhập

PV - 14:00, 21/05/2018

Mỗi dân tộc đều có tiếng nói riêng, nhưng hiện nay dân tộc La Ha ở Sơn La phải giao tiếp nhờ vào tiếng nói của các dân tộc khác.

Những người biết tiếng “mẹ đẻ” ngày càng ít dần, tuổi đã cao, sức đã yếu... họ đều lo lắng không biết rồi mai này con cháu có còn giữ được tiếng nói của dân tộc mình nữa không…?

Bài 2: Mai này ai còn biết tiếng La Ha

Dân tộc La Ha ở tỉnh Sơn La hiện có gần 2.200 hộ với hơn 5.600 người, chỉ chiếm 0,87% dân số của tỉnh. Cư trú dọc ven sông, ven suối, sườn đồi thành những bản riêng rẽ hoặc xen lẫn với người Thái, Khơ Mú ở 17 xã, 42 bản của các huyện: Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai và Mộc Châu. Cũng như các dân tộc anh em khác, dân tộc La Ha ở Sơn La đã trải qua bao thế hệ, đoàn kết, chung sống, tạo nên nét riêng biệt về những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời cho dân tộc mình, góp phần làm nên sự phong phú và đa dạng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Rất tiếc, vì nhiều nguyên nhân, văn hóa dân tộc La Ha đang mai một nhanh chóng. Đặc biệt là ngôn ngữ đang có nguy cơ mất hẳn.

Tục uống rượu cần trong lễ hội Pang A của đồng bào La Ha. Tục uống rượu cần trong lễ hội Pang A của đồng bào La Ha.

Người La Ha nói tiếng Thái

Con đường Tỉnh lộ 106 nối từ Quốc lộ 6 đoạn Chiềng Pấc đi Noong Lay nay được nâng cấp trải nhựa rộng mở thành Quốc lộ 6B đi huyện Quỳnh Nhai hơn 10 km trước đây đi mất cả tiếng đồng hồ nay đã được rút ngắn lại. Biết được mục đích chuyến đi của tôi muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc La Ha, anh Lường Văn Tinh, dân tộc Khơ Mú, bản Lụng Luông, xã Noong Lay (Thuận Châu) rất am hiểu về các bản dân tộc La Ha sinh sống trên địa bàn xã, căn dặn: “Nếu anh vào bản Noong Giẳng, nên tìm gặp anh Lò Văn Sam; nếu vào Huổi Khôm, nên tìm gặp Trưởng bản Lò Văn Món; nếu vào bản Lọng Hém nên hỏi ông Lò Văn Tân. Tại các bản này, nếu anh muốn tìm hiểu sâu hơn thì nhờ các anh ấy dẫn đi gặp các cụ cao tuổi, sẽ hiểu rõ hơn...!” Tôi quyết định về bản Huổi Khôm.

Tiếp xúc với ông Lò Văn Món, bản Huổi Khôm được biết, cả bản này chẳng còn ai biết tiếng La Ha mặc dù là bản của dân tộc La Ha, ngoài vợ chồng cụ Lò Văn Sám nay đã trên 80 tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn! Nói về tiếng dân tộc mình, ông thở dài: “Thất truyền rồi, buồn lắm, đến tôi cũng chỉ biết một số ngôn từ thường gặp trong giao tiếp thôi!” Tôi hỏi: “Uống nước, tiếng Thái nói là kin nặm, vậy tiếng La Ha gọi là gì?” ông trả lời là: “Lán méng”; tiếp tục: “ăn cơm” (kin khảu), nói là: “Lản mlạ”; “con trâu” (tô khoai) gọi là “Tu mnạ”, “con bò” (tô ngua) gọi là “tu nơi”; “cột nhà” (sảu hươn) gọi là “chảu lôn”, vv và vv... khác biệt hoàn toàn. Khi được hỏi, tại sao các cụ, các ông không truyền dạy lại cho con cháu? Ông buồn rầu kể: “Tại các con cháu không chịu học. Thỉnh thoảng các cụ, các bố, mẹ nói tiếng La Ha, các con đã sửng cồ lên “Bố mẹ nói cái gì đấy, nói xấu các con à? Cứ vậy, tiếng La Ha thuần gốc truyền miệng bị chặn lại, mai một dần, đến cả lời cúng tổ tiên cũng nói bằng tiếng Thái rồi!”.

Tiếp tục đi tìm hiểu, chúng tôi có mặt tại bản Lọng Bong, xã Hua Trai, huyện Mường La. Trưởng bản Lò Văn Son không dấu diếm: “Tiếng dân tộc La Ha chỉ còn ít các cụ già biết và đem truyền lại qua các lần cầu cúng lễ. Còn lớp trẻ bây giờ hầu như không hiểu gì về văn hóa dân tộc mình, đến cả giao tiếp hằng ngày cũng bằng tiếng Thái, thậm trí nguồn gốc, xuất xứ và ý nghĩa của các điệu múa, hát về dân tộc mình thì bà con đều... chịu thôi!”.

Cần có chiến lược bảo tồn khẩn cấp

Dân tộc La Ha ở Sơn La hiện nay đang đứng trước nguy cơ mất dần bản sắc văn hoá từ nhà cửa, trang phục và đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày đến những làn điệu dân ca, dân vũ, hệ thống các lễ hội, ma chay, cưới xin... Nguyên nhân chính là do sống cộng cư lâu đời với các dân tộc khác nên có sự ảnh hưởng của sự giao thoa giữa các nền văn hoá. Mặt khác, đồng bào La Ha hiện nay ngày càng được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, dẫn đến làm thay đổi dần những quan niệm của từng gia đình và cộng đồng, làm cho tính khép kín của xã hội truyền thống bị mai một dần. Hơn nữa, điều kiện sống được cải thiện, đời sống văn hoá cũng theo đó được nâng lên làm thay đổi những tập tục truyền thống vốn có.

Được biết, đầu năm 2018 vừa qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tổ chức thí điểm phục dựng lại một số lễ hội của dân tộc La Ha, trong đó có lễ hội Pang A tại bản Pá Hát, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai đã thành công tốt đẹp, được nhân dân hưởng ứng rất cao. Vì vậy, ngoài quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm thay đổi bộ mặt, diện mạo vùng đồng bào dân tộc La Ha, thì cũng cần có những chính sách đầu tư cho các chương trình, dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của dân tộc La Ha, nhất là đầu tư cho công tác bảo tồn tiếng nói, ngôn ngữ giao tiếp cho thế hệ trẻ bằng phương pháp truyền khẩu; mở các lớp vào buổi tối tại các bản, các cụm dân cư. Đồng thời, quan tâm đầu tư, xây dựng lộ trình lâu dài cho việc sưu tầm, phục dựng các lễ hội, khuyến khích và tạo điều kiện cho các đội văn nghệ của các bản người La Ha thường xuyên luyện tập, biểu diễn giao lưu để đồng bào La Ha hiểu rõ và ý thức được những giá trị văn hoá mà các thế hệ cha ông để lại. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo cán bộ văn hoá, cán bộ khoa học, mở các đợt triển lãm, biểu diễn văn nghệ quần chúng, tổ chức lễ hội truyền thống để các thế hệ sau hoà nhập, bảo vệ, giữ gìn và phát triển vốn văn hoá nghệ thuật của dân tộc mình.

Sự tồn vong của mỗi dân tộc không thể tách rời truyền thống văn hoá, nên việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá, nhất là tiếng nói của dân tộc La Ha ở Sơn La hôm nay thực sự là nhiệm vụ cấp bách liên quan đến sự tồn vong về vốn văn hoá của cả một cộng đồng dân tộc La Ha, rất cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành.

ANH ĐỨC