Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tồn cồng chiêng Nam Đông

PV - 15:36, 27/03/2022

Cũng như các tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, cồng, chiêng của người Cơ Tu ở huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) là biểu hiện tâm linh của đời sống cộng đồng.

Già làng giới thiệu chiêng của người Cơ Tu
Già làng giới thiệu chiêng của người Cơ Tu (Ảnh TL)

Muôn vẻ cồng chiêng Nam Đông

Tôi có dịp gặp gỡ với ông Hồ Thêm, một già làng, nghệ nhân cồng chiêng tại xã Thượng Long. Sau nụ cười tươi và những điệu nhạc đón khách từ chiếc cồng, ông bắt đầu câu chuyện: “Cồng, chiêng được người Cơ Tu ở Nam Đông chia ra ba loại hình khác nhau, dùng trong những điệu nhạc khác nhau”.

Thứ nhất là cồng (còn gọi là goòng) là loại nhạc cụ có núm, chia ra 12 loại khác: Goòng Tir, Goòng Ravắt, Goòng Gameo, Goòng Bhóc, Goòng Cabắc, Goòng Calát, Goòng Mút, Goòng Xalang, Goòng Trung, Goòng Cờchớ, Goòng Cờhót, Goòng Lấp búa. Trong 12 loại goòng đã nói trên, thì goòng Cabắc được coi là quý nhất, bởi ngoài hình dáng to (đường kính khoảng 60cm), tiếng kêu rất êm, không vang xa, thân có màu đồng đen. “Goòng Cabắc quý lắm, có khi phải đổi 9 con trâu mới được một chiếc. Goòng Mút xét về chất liệu đồng thì giống như Cabắc, kích thước nhỏ hơn, âm thanh vang xa hơn, loại này có giá trị ngang với 6 con trâu…”, ông Hồ Thêm kể.

Thứ hai là chiêng (còn gọi là ching) là loại không núm, có đường kính gần tương ứng với cồng, dựa vào hình dáng và âm thanh, giá trị nên được phân ra 5 loại: Ching Tir, Ching Tatam, Ching Sa sáu, Ching Phổ, Ching Tatủi. Trong 5 loại chiêng nói trên thì ching Tir đứng thứ nhất. Loại này có thân mỏng, tiếng kêu xa, giá trị trao đổi khoảng 4 con trâu. Đứng thứ 2 là ching Tătưi có âm cao; ching Phổ có kích thước lớn hơn ching Tatưi, nhưng âm thanh lại êm hơn, 2 loại này có giá trị ngang với 2 con trâu…

Thứ ba là Pơrơno là một nhạc cụ nhỏ hơn chiêng. Pơrơno được chia ra 4 loại như sau: Pơrơno Phổ, Pơrơno Mút, Pơrơno Đôngza, Pơrơno Grơm, Pơrơno Cuông. Tương tự như cồng và chiêng, pơrơno cũng được định mức theo thang giá trị, quý nhất là pơrơno Mút, giá trị hơn 3 con trâu, rồi đến pơrơno Phổ giá trị khoảng 2 con trâu, còn pơrơno Đông Za và pơrơno Cuông chỉ ở mức 1 con trâu…

Có nhiều kiểu đánh cồng chiêng. Cồng được đánh bằng dùi hoặc tay chỉ dùng vào các nghi lễ lớn quan trọng như đâm trâu, tang ma và một số hoạt động sau khi chết như nghi lễ bỏ mả... Đối với chiêng thì người ta đeo vào vai phải, tay phải cầm dùi đánh lên mặt ngoài, tay trái úp giữ mặt trong để ngắt nhịp hoặc tạo âm thanh…

Theo anh Tà Rương Mão, người có hơn 40 năm theo đuổi nét văn hóa của đồng bào Cơ Tu, tiếng cồng chiêng là tín hiệu nối kết mọi người trong một đơn vị cư trú lại với nhau, báo cho nhau bằng thanh âm và tiết điệu những thông tin đầy cảm xúc cộng đồng như niềm vui hay mất mát có người qua đời... Trong các nghi lễ cúng tế bình thường ở người Cơ Tu, chỉ dùng con vật hiến sinh như heo, dê thì không có tiếng cồng và trống lớn. Lúc đó người ta chỉ dùng chiêng, trống nhỏ, pơrơno làm thay lời thỉnh cầu của con người đến Yàng…

Người Cơ Tu quan niệm, cồng chiêng là một trong những nơi ẩn náu của linh hồn người sống, vậy nên mỗi khi trong nhà có người chết, các loại cồng chiêng sẽ được mang ra sân và treo lên thành từng dàn. Trong các họa tiết trang trí trên nhà Gươl của người Cơ Tu, hình tượng người đánh chiêng luôn là chủ đề nổi bật tạo nguồn cảm hứng cho những nghệ nhân điêu khắc, kết hợp với hình tượng ảnh vui mừng của các thành viên cùng những con thú vừa săn được. Ngược lại với Gươl, trên trang trí nhà mồ, hình ảnh người đánh cồng cùng với những người xung quanh với vẻ mặt u buồn khi tiễn đưa một người thân ra đi… Trong hôn nhân, cồng chiêng luôn là vật thách cưới giữa nhà gái với nhà trai, họ thường đưa ra những gợi ý ước muốn nhà mình có nhiều chiêng hay, đánh lên vang vọng khắp núi rừng, cho các làng bên cạnh nghe thấy tiếng chiêng mà kính nể…

Cần không gian diễn xướng cồng chiêng

Cần thêm không gian diễn xướng để bảo tồn cồng chiêng ở Nam Đông
Cần thêm không gian diễn xướng để bảo tồn cồng chiêng ở Nam Đông

Những năm gần đây ở Nam Đông, các hoạt động văn hóa của người Cơ Tu ít được tổ chức theo hình thức truyền thống. Các nghi lễ liên quan đến chu trình sản xuất được đơn giản hóa. Việc chuyển làm lúa rẫy sang lúa nước đã giảm bớt các công đoạn, tính chất linh thiêng của lúa rẫy không còn. Lễ ăn mừng lúa mới không được tổ chức theo cộng đồng như trước, các nghi lễ liên quan đến thần lúa chỉ cúng bằng gà, gói gọn trong từng hộ gia đình. Các nghi lễ trong chu kỳ đời người hiện nay thực hiện theo nếp sống mới… Thêm vào đó, nghi lễ cồng chiêng ngày càng bị lỗi, việc mượn chiêng đang còn rất phức tạp do yếu tố tâm linh… Tất cả các yếu tố trên dẫn đến các hoạt động liên quan đến cồng chiêng ngày càng mất dần.

Gần mười năm lại đây, huyện Nam Đông triển khai đề án về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Đề án đã kịp thời mở lớp truyền dạy cồng chiêng trên một số địa bàn có người Cơ Tu cư trú. Lớp trẻ ở các xã Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Quảng và Hương Sơn được dạy cách đánh các bài cồng chiêng sử dụng trong một số lễ hội như: ăn cơm mới, vào nhà mới, lễ đâm trâu… và các hoạt động liên quan đến chu kỳ đời người.

Tuy nhiên, vẫn cần có một số hoạt động cụ thể về cồng chiêng, cần có không gian diễn xướng cồng chiêng để bảo tồn cũng như quảng bá hết các đặc trưng văn hóa của người Cơ Tu đến với du khách. Hiện nay, không gian diễn xướng thường xuyên nhất là tổ chức diễn đánh cồng chiêng phục vụ du lịch. Tuy nhiên, việc ngày càng ít người đánh cồng chiêng khiến nét văn hóa đặc sắc này dần mai một. Vì vậy, bên cạnh việc tổ chức không gian diễn xướng, cần đầu tư thêm trang thiết bị cũng như đào tạo nhân lực để phục vụ cho các hoạt động này.

Tin cùng chuyên mục