Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tàng tỉnh Gia Lai với nỗ lực bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của người Gia Rai

Văn Hoa - Hồ Xuân Toản - 18:25, 07/11/2023

Gia Lai là vùng đất còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Vì vậy, từ khi Bảo tàng tỉnh Gia Lai được thành lập từ năm 1989 đến nay, đơn vị luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu, sưu tầm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS tại địa phương, trong đó trang phục truyền thống của người Gia Rai.

Bảo tàng tỉnh Gia Lai, nơi lưu giữ nhiều trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Gia Rai
Bảo tàng tỉnh Gia Lai, nơi lưu giữ nhiều trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên, trong đó có dân tộc Gia Rai (Ảnh: NLVQ)

Trang phục truyền thống của người Gia Rai

Gia Lai là tỉnh có 44 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó “Gia Rai là dân tộc có số lượng dân cư đông thứ hai của tỉnh với 459.738 người, chiếm 30.37% dân số toàn tỉnh”. Sự đa dạng về thành phần dân tộc dẫn đến sự phong phú về đặc trưng văn hóa, trong đó trang phục truyền thống là yếu tố biểu hiện rõ nhất những đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc.

Trang phục truyền thống chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, được biểu hiện qua các kiểu dáng, họa tiết tinh tế, sinh động, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện sự khéo léo, tài năng của người tạo ra sản phẩm. Đó là một trong những yếu tố mang sắc thái riêng để phân biệt giữa các dân tộc, được biểu hiện trên các phương diện như: Nguyên liệu, kỹ thuật chế tác, họa tiết hoa văn, giá trị sử dụng… Đồng thời, trang phục truyền thống còn phản ánh đặc điểm về môi trường sống, sinh hoạt lễ hội, tín ngưỡng, tri thức dân gian và sự giao lưu của các dân tộc.

Áo vỏ cây được người Gia Rai sử dụng trước khi biết dệt nên các bộ trang phục truyền thống, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (Ảnh: Bá Tính)
Áo vỏ cây được người Gia Rai sử dụng trước khi biết dệt nên các bộ trang phục truyền thống, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (Ảnh: Bá Tính)

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, trang phục ra đời nhằm phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống. Trang phục của người Gia Rai biến đổi và phát triển qua nhiều nhiều giai đoạn. Trước khi biết trồng bông, dệt vải, người Gia Rai sử dụng vỏ cây rừng, sau đó dùng da của động vật săn bắt được để làm áo. Đến khi biết chủ động tạo nguồn nguyên liệu, bằng sự khéo léo, tinh tế, người Gia Rai đã làm ra cho mình những bộ trang phục truyền thống mang đặc trưng riêng, thậm chí trong từng nhóm địa phương cũng có những khác biệt nhất định.

Trang phục nữ bao gồm áo và váy. Áo theo kiểu chui đầu, cổ hình thuyền, có tay hoặc không có tay. Với loại áo không có tay tạo hình bằng 2 mảnh vải khâu khít mép dọc hai bên hông, tạo thành hình trụ tròn; cổ và 2 lỗ xỏ cánh tay được chừa một khoảng nhất định, phù hợp với kích thước của người mặc. Các dải hoa văn trên áo được bố cục theo phương nằm ngang, tạo thành những vòng tròn với màu sắc sặc sỡ khi mặc.

Trang phục nữ của dân tộc Gia Rai (Ảnh: Bá Tính)
Trang phục nữ của dân tộc Gia Rai (Ảnh: Bá Tính)

Đối với áo có tay, có hai loại: Loại thứ nhất là tay gắn liền với áo bằng cách sử dụng mảnh vải quấn trong và khâu khít mí lại với nhau, tạo thành ống tay áo. Hoa văn của tay áo được bố cục theo phương nằm ngang, tạo thành những vòng tròn bao quanh tay áo. Loại tay áo thứ hai cũng được tạo hình như loại thứ nhất nhưng không phải để luồn tay vào khi mặc mà chỉ đính cố định một điểm lên vai áo, tạo nên một tay áo giả định nhằm tạo sự uyển chuyển khi di chuyển hoặc trong các buổi múa xoang.

Váy dạng quấn, dài quá gối, nhiều nơi dài đến gần mắt cá chân. Váy được làm từ một khổ vải quấn tròn quá 1,5 vòng người mặc. Hoa văn trên váy được bố trí ở hai đầu chân váy và giữa thân. Đặc biệt, người Gia Rai còn đắp thêm một tấm vải hình chữ nhật đặt theo chiều dọc vào vị trí ngang mông của người mặc. Khi mặc, người ta quấn váy ôm quanh người và hai mép gặp nhau ở phía trước, tạo thành dải hoa văn ở trước bụng và mảnh vải đắp thêm ở phía sau. Mảnh vải đắp thêm thường nằm ở ngang mông nhằm làm tăng vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ. Mảnh vải này được trang trí những dải hoa văn màu sắc sặc sỡ trên nền trắng của tấm vải.

Váy của người Gia Rai còn trang trí thêm một dải hoa văn dọc theo chiều dài, dải hoa văn này thường có chiều rộng 2cm, chiều dài bằng chiều dài của váy, được dệt riêng trước khi tháp vào tấm vải dùng làm váy. “Màu chủ đạo của dải hoa văn này là màu đỏ nổi bật trên nền trắng. Nhìn tổng thể, hoa văn trên trang phục nữ được trang trí ở gấu áo, cổ tay áo, cạp váy, mông và chân váy”.

Trang phục nam của dân tộc Gia Rai (Ảnh Bá Tính)
Trang phục nam của dân tộc Gia Rai (Ảnh Bá Tính)

Trang phục nam giới gồm áo và khố. Áo theo kiểu chui đầu, cổ xẻ sâu, có tay hoặc không có tay, hoa văn sặc sỡ. Áo cũng được làm từ hai mảnh vải ghép lại, khít mép dọc hai bên hông. Hoa văn bố cục theo hình dọc. Đặc biệt, áo của người Gia Rai ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai thường được đắp thêm một tấm vải màu đỏ ở trước ngực, tượng trưng cho sự mạnh mẽ, gan dạ, dũng cảm của người đàn ông. Khố thường có tua, màu sắc hoa văn sặc sỡ, được bố cục thành dải chạy dọc theo chiều dài của khố. Khố được quấn theo hình chữ T, hai đuôi khố phủ xuống ngang gối che kín phần mông của người mặc. Đôi khi nam giới chỉ quấn khố, cởi trần hoặc choàng tấm khăn như những chiến binh.

Ngoài trang phục chính là áo, váy và khố, người Gia Rai còn khăn quấn đầu và sử dụng nhiều loại hình trang sức như: chuỗi vòng đeo cổ, vòng đeo tay, bông tai ngà voi, thắt lưng… kết hợp khi diện trang phục truyền thống. Sự kết hợp hài hòa với các loại hình trang sức và phụ kiện đính kèm vừa tô điểm thêm vẻ đẹp của trang phục, vừa thể hiện đặc trưng văn hóa, giá trị thẩm mỹ cũng như sự khéo léo và óc sáng tạo của người Gia Rai trong việc tạo ra sản phẩm.

Khố của nam giới người Gia Rai (Ảnh: Xuân Toản)
Khố của nam giới người Gia Rai (Ảnh: Xuân Toản)

Quá trình tạo ra trang phục truyền thống của người Gia Rai trải qua nhiều công đoạn: Trước hết là khâu tạo nguồn nguyên liệu. Bông sau khi thu hoạch được cán ra bằng dụng cụ “cán bông”, sau đó dùng cái “bật bông” như chiếc cung tên để làm cho bông tơi. Cuối cùng là dùng “sa quay sợi” để xe thành sợi vải rồi cuộn thành từng cuộn vải sợi bông.

Người Gia Rai thường dùng các nguyên liệu có trong tự nhiên để nhuộm màu. “Muốn có sợi màu đen, người phụ nữ Gia Rai nấu nước nhuộm từ một loại vỏ cây có tên gọi là bal cộng với tro của bẹ chuối; muốn có màu vàng người ta dùng củ kơ-nhít (nghệ) để nhuộm; muốn có màu đỏ người ta nhuộm bằng vỏ cây tơ-nung trộn với một loại quả có lông mọc hoang dại trong rừng. Đây là 3 màu chính trong các sản phẩm dệt của người Gia Rai”.

Nguyên liệu tạo màu từ các vật liệu tự nhiên (Ảnh Bá Tính)
Nguyên liệu tạo màu từ các vật liệu tự nhiên (Ảnh Bá Tính)

Cuối cùng là công đoạn dệt, tạo hoa văn và kết thành sản phẩm. Người phụ nữ Gia Rai không dệt trên khung dệt cố định. Dụng cụ dệt chỉ như bộ phần rời đơn giản, được làm bằng các thanh lồ ô, gỗ và hầu hết đều tham gia vào việc giăng sợi thành thảm dọc khép kín trước mặt người dệt. Người dệt chỉ ngồi một chỗ để luồn chỉ qua thảm dọc kia để tạo nên mặt vải. “Để tạo hoa văn, ngay từ lúc giăng sợi, người dệt đã sắp xếp trật tự màu sắc của các sợi họp thành thảm dọc theo một công thức nhất định ứng với những kiểu trang trí định thực hiện trên mặt tấm dệt”. Sau khi dệt xong tấm vải, khung dệt được tháo rời, lúc này chỉ là những bộ phận riêng lẻ. Tấm vải sau khi dệt được đem cắt may thủ công thành các sản phẩm khác nhau, tạo nên bộ trang phục truyền thống.

Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của người Gia Rai

Gia Lai là vùng đất còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Vì vậy, từ khi Bảo tàng tỉnh Gia Lai được thành lập từ năm 1989 đến nay, đơn vị luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu, sưu tầm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS tại địa phương, trong đó trang phục truyền thống của người Gia Rai là một thành tố không thể tách rời.

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang lưu giữ khoảng 11.000 đơn vị hiện vật, trong đó, trang phục truyền thống của dân tộc Gia Rai gồm các loại hình: trang phục nam (áo - khố), trang phục nữ (áo - váy), khăn quấn đầu, tấm địu con... Toàn bộ hiện vật sau khi sưu tầm được nhập kho cơ sở, đánh số kiểm kê, thực hiện công tác bảo quản trước khi đưa ra trưng bày.

Phụ nữ dân tộc Gia Rai bảo tồn ngề dệt thổ cẩm truyền thống
Phụ nữ dân tộc Gia Rai bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Tại tổ hợp trưng bày về trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trang phục truyền thống của người Gia Rai được trưng bày kết hợp với các dụng cụ và nguyên vật liệu, tạo nên sản phẩm như khung dệt, dụng cụ cán bông, sa quay sợi và cuộn vải sợi bông cũng như các nguyên liệu tạo màu truyền thống. Cùng với trưng bày cố định, Bảo tàng Gia Lai còn thực hiện các trưng bày chuyên đề giới thiệu về trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống các DTTS tiêu biểu trên địa bàn tỉnh” do Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương làm chủ nhiệm đã xây dựng phòng trưng bày trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong đó trang phục truyền thống của người Gia Rai là một trong những tổ hợp trưng bày tạo điểm nhấn nổi bật.

Hoạt động nghiên cứu khoa học trong Bảo tàng cũng được chú trọng đối với từng loại hình hiện vật. Bảo tàng đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ sưu tập trang phục lễ hội của phụ nữ Gia Rai Chor vùng Ayun Pa. Đây là một trong những sưu tập có giá trị của Bảo tàng, toàn bộ hiện vật trong sưu tập được thống kê, miêu tả, cân đo chi tiết, xác định nguồn gốc và nêu bật giá trị của mỗi loại trang phục cũng như nhưng họa tiết trên mỗi loại trang phục.

Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của các dân tộc Gia Rai, Ba Na
Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm của các dân tộc Gia Rai, Ba Na

Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đã xây dựng thêm một không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa do chính những nghệ nhân các DTTS tại chỗ làm ra, trong đó có các vật dụng được làm từ thổ cẩm của người Gia Rai như trang phục, túi xách, nón, khăn… góp phần tuyên truyền, quảng bá văn hóa địa phương đến rộng rãi với công chúng.

Những kết quả đạt được là rất đáng ghi nhận, song hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của người Gia Rai ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai còn gặp những khó khăn nhất định. Đó là sự lạc hậu về cơ sở vật chất trong hệ thống kho bảo quản cũng như trong trưng bày. Công tác sưu ngày càng khó khăn, bởi nhu cầu người sử dụng trang phục thay đổi, trang phục truyền thống bị hư hao theo thời gian, trong khi đó, việc tạo ra trang phục truyền thống thì ngày càng ít được thực hành. Ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động trưng bày, tuyên truyền ít được thực hiện và hiệu quả mang lại chưa cao. Hiện vật phong phú, song cách thức trưng bày chưa tạo điểm nhấn nổi bật để thu hút khách tham quan. Lượng thông tin truyền tải đến công chúng còn rời rạc, chưa xâu chuỗi được sự kiện hoặc câu chuyện xoay quanh hiện vật.

Đồng bào Gia Rai trong trang phục truyền thống múa xoang ngày hội (Ảnh: Xuân Toản)
Đồng bào Gia Rai trong trang phục truyền thống múa xoang ngày hội (Ảnh: Xuân Toản)

Do vậy, để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của người Gia Rai, Bảo tàng tỉnh Gia Lai cần có những giải pháp lâu dài phù hợp với điều kiện hiện nay. Trước mắt, cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến trang phục truyền thống, tiếp tục hoạt động sưu tầm, đổi mới nội dung trưng bày, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bảo tàng để từng bước đưa hiện vật Bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Bên cạnh đó, cần tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan tiến hành phục dựng, khôi phục những làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Gia Rai để vừa bảo tồn di sản vừa thúc đẩy phát triển sinh kế đối với chủ thể di sản.