Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo tàng Bình Định với nỗi lo mất dần những hiện vật quý

PV - 13:57, 15/07/2019

Bảo tàng Tổng hợp Bình Định được xây dựng từ hơn 50 năm nay, do đó, công trình bị xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được sửa chữa. Tình trạng này, đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình lưu giữ và bảo quản hơn 13.000 tài liệu, hiện vật quý.

Hơn 100 hiện vật tháp Dương Long, bị phơi nắng gần 12 năm tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định. Hơn 100 hiện vật tháp Dương Long, bị phơi nắng gần 12 năm tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định.

Xuống cấp trầm trọng

Với số lượng hiện vật đồ sộ, đa dạng loại hình, phong phú về chủng loại, Bảo tàng Tổng hợp Bình Định được đánh giá, là một trong số các bảo tàng cấp tỉnh tốp đầu trong cả nước. Vấn đề bất cập hiện nay là, bảo tàng dường như đã quá chật, không còn chỗ cho việc lưu giữ các hiện vật. Báo động hơn, toàn bộ công trình, phòng ốc, nhà kho… của Bảo tàng đã hư hỏng nặng. Đặc biệt, phòng trưng bày thấm dột về mùa mưa, ẩm ướt, bong tróc nhiều chỗ, ảnh hưởng tới các hiện vật, nhất là các hiện vật gắn lên tường.

Mức độ an toàn, bảo vệ hệ thống hiện vật Bảo tàng cũng không đảm bảo. Bảo tàng thường xuyên được bổ sung hiện vật từ những đợt điền dã khoa học, sưu tầm, đặc biệt là các đợt khai quật khảo cổ học trên địa bàn tỉnh, nhưng hiện cả 3 kho bảo quản tư liệu, hiện vật đã quá tải.

Dẫn chúng tôi vào xem một nhà kho xếp chật ních các hiện vật qua nhiều năm tháng, ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng, chia sẻ: “Trong khi nhiều bảo tàng ở các tỉnh được đầu tư xây mới khang trang, bề thế, thì Bảo tàng của mình dù cố gắng sắp xếp, tận dụng, cải tạo không gian, cũng chỉ có thể trưng bày được một phần rất nhỏ các hiện vật đang sở hữu. Nếu có không gian đủ rộng, rất nhiều hiện vật quý đã đến được với công chúng, mà không phải ở mãi trong kho từ năm này sang năm khác”.

Hiện vật phơi nắng, phơi sương

Vấn đề của Bảo tàng Tổng hợp Bình Định hiện nay, không chỉ có tình trạng xuống cấp mà còn nằm trong quy hoạch, không thể xây thêm nhà kho nên nhiều hiện vật quý phải để ngoài trời và có nguy cơ bị hư hỏng. Đơn cử như, hơn 100 hiện vật là phù điêu trang trí chân tháp được khai quật từ tháp Dương Long đến nay đã hơn 10 năm nhưng vì không có chỗ để lưu giữ nên vẫn nằm lăn lóc, phơi nắng phơi sương.

Theo ông Bùi Tĩnh, các hiện vật này được khai quật từ tháp Dương Long, xã Tây Bình (thuộc huyện Tây Sơn), đem về Bảo tàng Tổng hợp tỉnh để bảo quản. Từ đó đến nay, đã hơn 10 năm nhưng vì không có nhà kho nên đành để bên ngoài.

Ông Bùi Tĩnh bộc bạch: Đơn vị đã nhiều lần kiến nghị lên cấp có thẩm quyền, để xin kinh phí xây dựng nhà kho tạm chứa các hiện vật bảo quản, tuy nhiên giờ vẫn chưa xây dựng được. Vì vậy, đơn vị đành phải lấy diện tích khoảng trống sân phía sau khu trưng bày để làm chỗ chứa hiện vật của tháp Dương Long.

Vẫn chưa có giải pháp lâu dài

Được biết, ngày 25/4/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đã có buổi làm việc với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh về tình hình hoạt động. Sau đó, tỉnh đã có văn bản đồng ý về chủ trương đối với những đề nghị của Bảo tàng về việc xây dựng nhà kho, phòng bán vé thu phí, sửa chữa tường rào cổng ngõ; giao Sở Văn hóa-Thông tin chủ trì phối hợp với các tổ chức khảo sát hiện trạng của Bảo tàng, sau đó có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất quy mô và nguồn kinh phí xây dựng các hạng mục, mua sắm trang thiết bị.

Đến ngày ngày 28/6/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định đã có văn bản trình UBND tỉnh, thống nhất việc đầu tư cho một số hạng mục của Bảo tàng là cần thiết. Tuy nhiên, tỉnh Bình Định lại có kế hoạch chuyển Bảo tàng đến một vị trí khác nên mọi việc lại dừng lại.

“Chúng tôi đang mong chờ UBND tỉnh Bình Định có kế hoạch cụ thể, một là sớm chuyển đến địa điểm khác thuận lợi, hoặc cho phép xây dựng một nhà kho để bảo quản các hiện vật. Nếu tình trạng này kéo dài, tôi e rằng các hiện vật sẽ bị ảnh hưởng, các hoa văn sẽ bị mưa, nắng bào mòn không thể khôi phục được”, ông Tĩnh trăn trở.

LÊ PHƯƠNG