Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bão RAI giật trên cấp 17, cách Bình Định-Phú Yên khoảng 210 km

Nguyệt Anh (T/h) - 12:06, 19/12/2021

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão RAI cách Bình Định - Phú Yên khoảng 210 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-185 km/giờ), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 200 km tính từ tâm bão.

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 9 lúc 11 giờ ngày 19/12. (Nguồn: nchmf.gov.vn)
Vị trí và hướng di chuyển của bão số 9 lúc 11 giờ ngày 19/12. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

TIN BÃO KHẨN CẤP

Dự báo trong 24 giờ tới, bão RAI di chuyển theo hướng Tây Bắc sau đổi hướng bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 10 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 111,1 độ kinh đông, ngay trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (120-150 km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm trên biển, ven biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 19,0 độ vĩ bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, đê, kè biển trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Đến 10 giờ ngày 21/12, vị trí tâm bão ở khoảng 20,1 độ vĩ bắc; 113,8 độ kinh đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 230 km về phía nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía bắc vĩ tuyến 15,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 109,0 đến 116,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi 10-15 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 22/12, trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 21,3 độ vĩ bắc; 116,8 độ kinh đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 320 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Vùng biển phía tây khu vực Giữa Biển Đông: cấp 4. Ở vùng biển ven bờ từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên: cấp 3.

Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển: Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-15, giật trên cấp 17; sóng biển cao từ 9,0-11,0m; biển động dữ dội.

Vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên Huế - Phú Yên có gió mạnh dần lên cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14; sóng biển cao từ 6,0-8,0m; biển động dữ dội; ở vùng biển ven bờ (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động dữ dội.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ ngày 19 đến 20/12, trên đất liền các tỉnh/thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7; trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển có nơi cấp 8, giật cấp 9.

CÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ

Tối qua (18/12), Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) tiếp tục tổ chức họp trực tuyến thảo luận về công tác dự báo bão số 9 (bão RAI). Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Lê Công Thành tham dự và chỉ đạo tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu các đơn vị chức năng cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến khó lường của cơn bão.

Đây là cơn bão hiếm gặp trong 30 năm qua với cường độ mạnh cấp 14, giật cấp 17, cơn bão đi vào vĩ tuyến thấp, tiếp tục duy trì cường độ mạnh, vì vậy, các đơn vị chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích các yếu tố động lực, nhiệt lực tác động đến cơn bão để có những dự báo tiếp theo sát với tình hình thực tế.

Bão số 9 là một cơn bão rất mạnh vì vậy, các Đài KTTV khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão cần chủ động theo dõi sát sao diễn biến của bão số 9, cập nhật kịp thời thông tin đến các đơn vị chức năng tại địa phương để điều chỉnh phương án ứng phó kịp thời. Cần theo dõi sát sao lượng mưa, cung cấp thông tin cho các hồ chứa nước, hồ thủy điện tại khu vực miền Trung có phương án tích trữ nước phù hợp.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh

Để chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến của siêu bão RAI, Bộ Tổng Tham mưu vừa có điện khẩn, yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ ứng trực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp, chủ động nắm chắc tình hình diễn biến bão; triển khai các biện pháp phòng, chống bảo đảm an toàn cho bộ đội, doanh trại, kho tàng và vũ khí trang bị.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền khi có lệnh.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền khi có lệnh.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố, nhất là đối với các đơn vị đóng quân trong khu vực ảnh hưởng của bão.

Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển có khả năng ảnh hưởng bão phối hợp với chính quyền địa phương và chủ tàu tiếp tục rà soát, nắm rõ tất cả các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động trên biển;

Tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, thông tin, hướng dẫn cho các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện đang làm nhiệm vụ trên biển, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có lệnh.

Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay cứu hộ, cứu nạn trên biển và trên đất liền khi có lệnh.

Công điện yêu cầu Bộ Tư lệnh Quân khu 3, 4, 5, 7 tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn tăng cường cập nhật diễn biến mới của bão;

Tham mưu, phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, chuẩn bị phương án để chủ động ứng phó với các tình huống; triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”;

Sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện kịp thời sơ tán nhân dân ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão gây ra, không để bị động, bất ngờ.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ chú ý thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ.

Các cơ quan, đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, chuẩn bị bảo đảm tốt hậu cần, kỹ thuật phục vụ hoạt động ứng phó thiên tai.

Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa khẩn trương ứng phó bão

Ngày 18/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản hỏa tốc số 603/VPTT gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa về việc triển khai phương án ứng phó với bão số 9.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa sẽ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố nêu trên thực hiện nghiêm Công điện số 1737/CĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 26/CĐ-QG ngày 16/12/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ứng phó với mưa, bão.

Theo dõi chặt chẽ thông tin các tàu đang trú tránh trên đảo và trên biển, hướng dẫn neo trú, di chuyển để đảm bảo an toàn, nhất là số tàu đang trú tránh và ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Bắc Biển Đông.

Các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công; chủ động vận hành đón lũ, đồng thời phải đảm bảo an toàn công trình và hạ du; tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất.

Đối với các đảo, tổ chức sắp xếp các phương tiện, tàu thuyền tại nơi neo đậu, không để người trên các phương tiện, tàu thuyền tại khu neo đậu và trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn;

Chủ động triển khai phương án di dời, sơ tán người dân, đặc biệt là tại các nhà ở có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn.

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

11 địa phương cấm biển; lên kế hoạch sơ tán gần 240.000 dân

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 07h sáng 18/12, lực lượng chức năng đã thông báo, hướng dẫn cho 44.915 tàu/242.484 lao động của các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận biết diễn biến của bão để di chuyển tránh trú hoặc neo đậu, hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới. 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã có lệnh cấm biển.

Về nuôi trồng thủy sản, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận có tổng 18.599 ha nuôi trồng thủy sản và 177.592 lồng bè (một số tỉnh có số lượng lớn Phú Yên: 3.390 ha và 81.177 lồng bè; Khánh Hòa: 2.014 ha và 87.409 lồng bè; Thừa Thiên Huế: 3.089ha và 2.000 lồng bè). Các địa phương đã chỉ đạo việc gia cố, chằng néo, di dời, sẵn sàng phương án đưa dân dân lên bờ để đảm bảo an toàn.

Về tình hình an toàn cho người và tàu thuyền tại một số đảo, tổng số dân trong khu vực nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão: 51.990 người trên 04 đảo lớn gần bờ (Cồn Cỏ: 500; Cù Lao Chàm: 2.091; Lý Sơn: 22.174; Phú Quý: 27.225).

Hiện nay các địa phương đã sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền cũng như người dân trên các đảo; dự trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm; cấm đi lại giữa đất liền và các đảo từ chiều 17/12.

Trong khu vực có 15 dàn khoan trên biển, có quy mô lớn với hàng nghìn lao động, các nhà giàn đã có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Để ứng phó bão, các địa phương trong khu vực dự kiến kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ/238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, khu vực ven biển và đã có phương án đảm bảo an toàn. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát cập nhật và sẽ sơ tán theo diễn biến thực tế của bão.