Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bảo đảm bình ổn giá thị trường Tết Nguyên đán

Minh Anh - 16:11, 10/01/2022

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021, nhất là ở các địa bàn miền núi..., các địa phương, đơn vị chức năng, doạnh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp, cam kết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bùng phát.

Nguồn cung hàng hóa tại các thành phố lớn được chuẩn bị dồi dào, nhiều doanh nghiệp cam kết bán hành bình ổn giá
Nguồn cung hàng hóa tại các thành phố lớn được chuẩn bị dồi dào, nhiều doanh nghiệp cam kết bán hành bình ổn giá

Nguồn cung hàng hoá dồi dào

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tranh thủ thời gian này, chị Nguyễn Thị Yến, ở phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã đi mua các loại đồ gia đụng, điện tử để phục vụ nhu cầu của gia đình, cũng như trang trí thêm cho nhà cửa. 

Theo chị Yến, mua sắm thời gian này thì thấy là giá cả hợp lý, chất lượng hàng tương đối tốt. Số lượng hàng hóa rất nhiều, các mặt hàng đều bình ổn, không có hiện tượng cứ cao điểm mùa tết là tăng giá bán.

Theo thông tin từ Sở Công Thương TP. Hà Nội, các doanh nghiệp phân phối lớn trên địa bàn, đều chủ động chuẩn bị nguồn hàng từ 2 tháng trước Tết, với nguồn khai thác trong nước và nhập khẩu sẵn sàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. 

Lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết được chuẩn bị dồi dào như: Gạo 278.910 tấn; thịt lợn 57.780 tấn, thịt gà 18.594 tấn, thịt bò 16,050 tấn, trứng gia cầm 372 triệu quả, rau củ 309,900 tấn; thực phẩm chế biến 15.495 tấn; thủy hải sản 57,750 tấn; trái cây 156.000 tấn... Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho hay, đơn vị đã chuẩn bị 2.800 tấn thực phẩm tươi sống, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, với mặt hàng thực phẩm chế biến là 4.200 tấn, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước. “Với sản lượng này, chúng tôi cam kết bình ổn giá thị trường trước, trong và sau Tết, đồng thời đáp ứng đủ cung ứng hàng cho người dân”, ông Dũng khẳng định.

Còn tại TP. Hồ chí Minh, tính đến ngày 27/12, đã có 203/233 chợ hoạt động, đạt tỷ lệ 91%. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với 106/106 siêu thị, số lượng cửa hàng tiện lợi mở lại ngày càng tăng lên, đến nay có 3.028/3.101 cửa hàng tiện lợi để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.

Tại các địa bàn miền núi, nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết cũng được các đơn vị chức năng triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá
Tại các địa bàn miền núi, nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết cũng được các đơn vị chức năng triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá

Nhiều doanh nghiệp cam kết giữ giá

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

 Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, tính đến sáng 29/12/2021 các đơn vị sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình với tổng lượng hàng hóa đăng ký thực hiện là 18.000 tỷ đồng; đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán...

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, để chuẩn bị nguồn hàng hóa đáp ứng dịp Tết năm nay cho người dân, Sở Công Thương Thành phố đã tiến hành làm việc với các tỉnh kết nối cung cầu. Doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị nguồn hàng hóa Tết với các mặt hàng lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu…

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, dự báo của Sở nhu cầu mua sắm Tết tại TP. Hồ Chí Minh sẽ không tăng so với năm trước, nhưng giữ được ổn định và tăng so với thời điểm bùng phát dịch trầm trọng. Hiện nay, nguồn hàng hóa tham gia chương trình bình ổn giá của 80 doanh nghiệp, với cam kết không tăng giá trong dịp Tết lên đến 7.110 tỷ đồng, thậm chí ngược lại còn có chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Còn tại các địa bàn miền núi, theo Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai, để bảo đảm nguồn hàng hóa và bình ổn giá dịp Tết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt tại các vùng nông thôn, vùng xa,

Bên cạnh đó, Sở khuyến khích, vận động các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, chuẩn bị dự trữ hàng hóa để cung ứng sớm và đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho Nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt; gắn kết các hoạt động kết nối cung cầu các hoạt động xúc tiến thương mại như đưa hàng Việt về nông thôn, bán hàng Việt khuyến mãi và các hoạt động hội chợ, triển lãm… tạo nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết và cung ứng cho các địa bàn phải thực hiện giãn cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tin cùng chuyên mục
Hàm Yên quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang vào năm 2025

Hàm Yên quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang vào năm 2025

Huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang) có điểm xuất phát kinh tế thấp. Những năm qua, Hàm Yên luôn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để từng bước phát triển nhằm tạo sự bứt phá trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội. Cụ thể, huyện đã tập trung khai thác và phát huy những tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Hàm Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, qua đó đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là diện mạo nông thôn miền núi thay đổi, đời sống người dân đã được nâng lên. Mục tiêu năm 2025, Hàm Yên đang quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang. Trước thềm năm mới 2025, ông Đỗ Đức Chiến, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên đã có cuộc trao đổi chia sẻ với Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về những kết quả tích cực này.