Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền phát triển thăm và làm việc tại Ủy ban Dân tộc

Hồng Phúc - 20:00, 07/11/2023

Ngày 7/11, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông tiếp ông Surya Deva - Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc (LHQ) về quyền phát triển.

Báo cáo viên đặc biệt của liên hợp quốc Quyền phát triển thăm và làm việc tại Uỷ ban dân tộc
Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia thống nhất, gồm 54 dân tộc chung sống, trong đó 53 DTTS với số dân hơn 14,119 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,7% tổng dân số cả nước. Quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Hiến pháp hiện hành của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/4/2014 đã ghi nhận quyền con người thay vì chỉ ghi nhận quyền công dân, dành riêng Chương II với 36 điều quy định trực tiếp và rõ ràng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Hiến pháp 2013 khẳng định “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

Do phần lớn các dân tộc thiểu số của Việt Nam cư trú ở các vùng miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nên đồng thời với việc xác định quyền bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước Việt Nam còn khẳng định ưu tiên hỗ trợ và tăng cường đoàn kết giúp đỡ tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, vươn lên hội nhập với sự phát triển chung tại Điều 5, Khoản 4 Hiến pháp “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

Báo cáo viên đặc biệt của liên hợp quốc Quyền phát triển thăm và làm việc tại Uỷ ban dân tộc 1
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu tại buổi làm việc

Từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người, trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 53 văn bản Luật có các điều khoản quy định bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số, có 12 Luật mới ban hành từ năm 2012.

Người dân tộc thiểu số tại Việt Nam được tạo điều kiện bảo đảm bình đẳng các quyền con người của mình như quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, quyền được bảo vệ bởi cơ quan tài phán độc lập, quyền có quốc tịch, quyền tự do đi lại trong lãnh thổ quốc gia, quyền xuất và nhập cảnh, quyền tự do ngôn luận báo chí, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo... 

Các quyền dân sự, chính trị này của người dân tộc thiểu số được Nhà nước bảo đảm bình đẳng như mọi công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nhà nước Việt Nam dành nhiều ưu tiên trong thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025) đều có các nội dung hỗ trợ bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số.

Báo cáo viên đặc biệt của liên hợp quốc Quyền phát triển thăm và làm việc tại Uỷ ban dân tộc 2
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Surya Deva cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện thu xếp thuận lợi chuyến thăm lần này, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hợp tác với các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc. Ông Surya Deva đánh giá cao các dấu ấn, sáng kiến của Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 và sự tham gia trách nhiệm, tích cực trong Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR).

Tại buổi làm việc, ông Surya Deva cũng trao đổi với phía Ủy ban Dân tộc về một số vấn đề, như: Cơ chế lấy ý kiến cộng đồng dân tộc thiểu số khi xây dựng các dự thảo chính sách, pháp luật; chiến lược phát triển ở cấp độ địa phương; tình hình tham chính (tỷ lệ cán bộ các cấp,…) và lãnh đạo trong lĩnh vực kinh tế (chủ, quản lý doanh nghiệp… ) của người dân tộc thiểu số…

Báo cáo viên đặc biệt của liên hợp quốc Quyền phát triển thăm và làm việc tại Uỷ ban dân tộc 3
Ông Surya Deva (quốc tịch Ấn Độ) bắt đầu đảm nhận vị trí Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển với nhiệm kỳ ba năm kể từ ngày 01/5/2023

Chia sẻ thông tin về các ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác, ông Deva khẳng định sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận tổng thể, cân bằng, minh bạch, thúc đẩy hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng, triển khai và giám sát chính sách phát triển. Ông Surya Deva bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và góp phần thúc đẩy triển khai hiệu quả quyền phát triển ở Việt Nam và trên thế giới.

Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Deva sẽ có các cuộc làm việc với nhiều cơ quan trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, đi thăm một số địa phương để trao đổi với lãnh đạo địa phương và thăm một số dự án, cơ sở kinh tế - xã hội để tìm hiểu về thành tựu, thách thức, ưu tiên và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong lĩnh vực quyền phát triển.