Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bánh trứng kiến đặc sản vùng cao được nhiều người thành phố ‘săn lùng’

Minh Nhật - 07:44, 09/05/2024

Món bánh trứng kiến thu hút không ít người dân thành phố bởi nó lạ từ cái tên cho đến hương vị, và là loại bánh được nhiều người tìm kiếm, đặt mua trên các shop bán hàng online thời gian gần đây.

Bánh có nhân gồm trứng kiến, thịt lợn…, vỏ bánh làm bằng gạo nếp. Ảnh: NVCC.
Bánh có nhân gồm trứng kiến, thịt lợn…, vỏ bánh làm bằng gạo nếp. Ảnh: NVCC.

Trên mạng xã hội nhiều người đăng bán các loại bánh mang hương vị đặc trưng của núi rừng như bánh ngải, bánh sắn, bánh trứng kiến… Trong những loại này thì bánh trứng kiến được nhiều người đặt mua hơn cả.

Được biết, bánh trứng kiến là đặc sản ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang... Đây là một món ăn không thể thiếu trong nhiều dịp lễ quan trọng của người Tày

Bánh trứng kiến (tiếng Tày gọi là pẻng rày). Thời điểm thích hợp để người dân vào rừng tìm trứng kiến là dịp cuối xuân, đầu hè. Trứng kiến để làm bánh chỉ dùng trứng của loại kiến đen có thân nhỏ, đuôi nhọn và thường làm tổ trên cây vầu, sau sau. Trứng kiến ở những tổ này thường có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, rất mẩy, béo và có hàm lượng đạm cao. Những nguyên liệu chính để tạo nên món bánh trứng kiến thơm ngon đó là bột nếp, trứng kiến cùng lá non của cây vả.

Để thưởng thức bánh trứng kiến, người ta thường chia thành từng miếng vuông vắn đẹp mắt, cắt vậy, bên dưới lớp áo bánh bằng lá vả, e ấp bên trong là lớp bột gạo dẻo thơm cùng lớp nhân thịt, trứng kiến trông rất hấp dẫn. Cắn một miếng, vị giác của bạn sẽ bất ngờ với sự kết hợp không thể hoàn hảo hơn của các nguyên liệu. Hương vị lá vả thơm, bùi, bột nếp dẻo cùng sự béo và ngậy mùi trứng kiến. Khi ăn không bóc tách lá vả, vì lá vả có hương vị riêng đặc sắc. 

Bánh trứng kiến là món ăn độc đáo của người dân Cao Bằng.
Bánh trứng kiến là món ăn độc đáo của người dân Cao Bằng.

Chị Thu Hằng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ đã nghe đến bánh trứng kiến từ nhiều năm trước. Gần đây chị mới được thưởng thức vì có người bán trong nhóm chợ chung cư nơi chị sinh sống.

"Cảm giác ăn rất lạ miệng, nhất là khi ăn những quả trứng kiến béo ngậy, to bằng hạt gạo, có màu trắng sữa ở phần nhân bánh. Vỏ bánh thì dẻo, thơm… Nói chung ăn rất "cuốn". Sau khi ăn lần đầu thấy ngon mình còn thường xuyên dặn người bán để dành một phần cho mình mỗi khi có bánh", chị Hằng nói.

Chị Bích (Thanh Trì, Hà Nội) mới đây cùng gia đình đi du lịch tới Cao Bằng nên đã được thưởng thức bánh trứng kiến. Chị Bích cho biết, thấy món bánh là lạ, tò mò nên mua ăn thử thì thấy rất "hay".

"Sau khi về Hà Nội, mình đã tìm mua món bánh này trên mạng xã hội. Ăn bánh mua qua mạng hương vị cũng tương tự như ăn ở Cao Bằng nên mình vẫn thường xuyên mua. Giá của bánh trung bình khoảng 20.000-30.000 đồng/chiếc", chị Giang cho hay.

Chị Triệu Thị Son (42 tuổi) lập nghiệp ở Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng. Chị rất yêu thích và am hiểu các món ăn của vùng núi. Vài năm trở lại đây cứ khoảng thời gian sau Tết, chị lại mở bán món bánh trứng kiến đặc sản của quê hương mình.

Bánh chứng kiến có giá khoảng 20.000 – 30.000 đồng/chiếc hoặc 70.000 – 90.000 đồng/hộp. Ảnh: NVCC.
Bánh trứng kiến có giá khoảng 20.000 – 30.000 đồng/chiếc hoặc 70.000 – 90.000 đồng/hộp. Ảnh: NVCC.

Theo chị Son, món bánh trứng kiến thu hút người dân thành phố bởi lạ từ cái tên cho đến hương vị, khiến nhiều người muốn mua ăn thử.

Chị Son chia sẻ: "Hàng năm cứ khoảng tháng 3 đến tháng 5 dương lịch, mình đều bán thêm bánh trứng kiến. Mùa trứng kiến năm chỉ có một lần nên muốn bán quanh năm cũng không được.

Bánh trứng kiến nguyên liệu chính không thể thiếu là trứng non của kiến, dùng làm nhân bánh. Trứng kiến phải của loại kiến đen to trong rừng, làm tổ trên các cành cây, vách núi cao. Người dân đi lấy trứng kiến khá vất vả và đôi lúc nguy hiểm".

Chị Son cũng cho hay, trứng kiến sau khi lấy từ rừng về đem đi rửa sạch, rồi xào chín cùng với thịt lợn xay nhuyễn, lạc, hành phi và củ kiệu xắt nhỏ... Phần vỏ bánh được làm bằng gạo nếp nương đã được xay thành bột, nhào nặn cho tới khi có độ dẻo, mịn. Mỗi chiếc bánh được gói bằng lá non đã tước bỏ cuống và gân lá của cây vả. Sau đó bánh được đem bánh hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín.

"Bánh trứng kiến ăn nóng hay nguội đều ngon, tùy theo khẩu và và sở thích của mỗi người. Điều thú vị là lớp lá gói bánh cũng có thể ăn được. Nếu bánh được gói hai lớp lá, chỉ cần bóc bỏ lớp lá ngoài, bánh gói một lá cứ thế ăn trực tiếp luôn", chị Son nói thêm.

Tuy nhiên, chị Son cũng lưu ý, nhiều người đã bị dị ứng với bánh trứng kiến với biểu hiện nổi mề đay khắp cơ thể, sưng môi, sưng mắt… Chính vì vậy người có cơ địa dị ứng không nên thử món bánh này.

Món bánh trứng kiến được làm theo phương thức thủ công nên nhiều người nghi ngại về độ an toàn. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân cần lựa chọn, tìm hiểu kỹ và đặt mua ở những địa chỉ đáng tin cậy.

Là một món ăn đặc biệt, ai đã từng thưởng thức qua không thể quên hương vị thơm ngon của bánh trứng kiến. Trong từng lớp bánh như gói trọn cả nét đẹp của đất và người Cao Bằng.