Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bâng khuâng “làng đó”

Giang Vương - 22:37, 09/03/2020

Tại xã Phú Sỹ, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) có hai thôn Nội Lăng và Tất Viên vẫn giữ nghề truyền thống làm đó, đan rọ để bẫy, bắt cá tôm từ hàng trăm năm nay. Dân gian vẫn gọi hai thôn này là “làng đó”. Xưa kia, nghề làm đó, đan rọ mang lại thu nhập chính cho toàn dân xã Phú Sỹ. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, đồng ruộng, sông ngòi bị thu hẹp lại nên nghề này đang bị mai một dần.

“Làng đó” chỉ còn những người cao tuổi cần mẫn giữ nghề.
“Làng đó” chỉ còn những người cao tuổi cần mẫn giữ nghề.

Xuất phát từ Thủ đô Hà Nội vào đầu giờ sáng, chỉ độ non 2 giờ xe chạy, chúng tôi đã có mặt tại Trung tâm huyện lỵ Tiên Lữ của tỉnh Hưng Yên. Đích đến của chúng tôi lần này là làng nghề truyền thống đan đó, đan rọ thuộc xã Phú Sỹ, huyện Tiên Lữ.

Căn nhà chúng tôi ghé thăm đầu tiên là nhà cụ Phạm Xuân Hồng. Vẫn đều tay với chiếc đó đang đan dở, cụ Hồng cười nói: “Các chú vào xơi nước, có chè xanh bà nhà mới pha ban nãy đấy”.

Theo lời cụ Hồng, trước đây làm đó, làm rọ là nghề mang lại thu nhập chính cho toàn dân xã Phú Sỹ này. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, ruộng đồng, sông ngòi bị thu hẹp lại nên nghề bị mai một dần bởi làm ra chẳng còn ai mua.

“Ngày xưa, một người đàn bà dân tộc Mường ở tận Thanh Hóa lấy chồng về đây. Thấy dân khổ ải đánh vật với đồng chiêm trũng quanh năm ngày tháng mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Sẵn có nghề đan rọ, đan đó để bẫy cá, tôm từ quê nhà. Bà đã mang nghề này truyền lại cho con, cho cháu. Nghề đan đó bắt đầu từ đó”, ông Hồng vẫn đều đều tay đan đó, vừa kể về sự tích của làng. “Tính đến nay, nghề đan đó của chúng tôi đã có tuổi đời 200 năm rồi đấy các chú ạ”, cụ Hồng cho biết.

Theo chia sẻ của các cụ cao niên trong làng, trước đây, khi quá trình đô thị hóa chưa bị tác động, nghề đan đó, đan rọ mang lại khoản thu nhập chính cho bà con nơi đây. Đó, rọ làm ra đến đâu, bán hết đến đó. Được người ta mua đi khắp các tỉnh thành. Từ người lớn đến trẻ nhỏ, cứ theo tay mà truyền cho nhau. Trẻ 5, 7 tuổi đã biết pha nan, lên khung, xoáy góc.

Rời nhà cụ Hồng, chúng tôi tìm sang nhà cụ Phạm Văn Truật, ở cái tuổi 84 nhưng đôi mắt và đôi tay cụ Truật vẫn còn tinh anh lắm. Nhìn đôi tay cụ “múa” trên những thanh tre vô tri, vô giác để tạo ra những chiếc đó, chiếc rọ tựa nghệ sĩ đang múa trên những phím đàn. “Nghề đan đó tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỷ mỉ lắm đấy nhà báo ạ”, cụ Truật nheo nheo đôi mắt cho hay.

Tre hoặc nứa được đặt mua từ trên rừng về từng bó. Sau đó, người đan đó chẻ từng cây ra thành thanh nhỏ, công đoạn này được gọi là “pha”. Sau khi những thanh tre, nứa đã được pha ra là đến lượt lựa nan.

Để làm ra một chiếc đó, người làm đó phải sử dụng rất nhiều loại nan khác nhau như: Nan suốt (đây là loại nan dùng định hình khuôn) nan này có chiều dài theo suốt từ đầu đến cuối chiếc đó; nan so le, loại nan này cũng dài từ từ miệng chiếc đó đến đuôi đó; cùng với đó là nan hom, nan khoáy… Tùy theo tay nghề của người đan, thời gian để hoàn thành một cái đó nhiều hay ít.

Thoáng lát mà trời đã ngả về chiều, tiếng văng vẳng của trẻ con í ới nô đùa giờ tan lớp. Đâu đó sột soạt tiếng chổi tre quét ngõ, quét sân của gia đình nào đó. Chúng tôi tạm chia tay những người thợ để trở về với công việc thường nhật của mình. “Làng đó” xa dần, nhưng lẩn khuất đâu đó phía bên kia ruộng lúa, trên mỗi bờ mương hay chính ở một góc nhỏ của quán cà phê nơi phố thị vẫn tồn tại sản vật của một thời xưa cũ năm nào!