Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bản Ngò "nuôi dưỡng" giá trị văn hóa truyền thống cho học sinh

PV - 12:06, 06/05/2021

Là nơi cư trú của nhiều dân tộc, giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống để những giá trị văn hóa được lưu truyền, năm 2016, xã Bản Ngò ( huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) cùng với các địa phương khác đã đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống dân tộc vào giảng dạy cho em học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS. Từ những tiết học đầy bổ ích này, những điệu múa truyền thống được học sinh biểu diễn thành thục; kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng sử với thầy cô, bè bạn và khách đến thăm được các em tiếp thu và áp dụng hàng ngày.

Những điệu múa cổ truyền được các “nghệ nhân tí hon” biểu diễn trong sân trường.
Những điệu múa cổ truyền được các “nghệ nhân tí hon” biểu diễn trong sân trường.

Chúng tôi đến Trường Tiểu học Bản Ngò đúng tiết học thực hành văn hóa truyền thống. Sân trường thoáng mát dưới bóng cây rộn ràng tiếng nhạc. Theo hướng dẫn của thầy, cô, học sinh say mê trong điệu múa Xinh tiền, múa khèn Mông, đi cà kheo, nhảy dây... Theo tiếng nhạc đậm chất dân ca, từng tốp “nghệ nhân văn hóa tí hon” biểu diễn say sưa nét văn hóa đặc sắc. 

Có thể thấy, sau thời gian đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào giảng dạy, kho tàng văn hóa của các dân tộc đã được các em nhỏ tiếp thu một cách hào hứng. Nhờ sự chỉ dạy của các nghệ nhân dân gian và thầy, cô trong các tiết học đã giúp các em hiểu biết và thêm yêu những nét đẹp phong tục và văn hóa dân gian dân tộc mình. Em Tẩn Thị Thư, học sinh lớp 5, người dân tộc Dao cho biết: Em luôn háo hức chờ đợi các tiết học kỹ năng sống và thực hành văn hóa truyền thống. Các tiết học không chỉ trang bị cho em kỹ năng giao tiếp, hiểu về bản thân và cuộc sống mà còn được học hỏi từ nhiều bạn khác.

Đi cà kheo - trò chơi dân gian được nhiều em học sinh ưa thích.
Đi cà kheo - trò chơi dân gian được nhiều em học sinh ưa thích.

Nhà trường đã chú trọng truyền dạy kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội, kỹ năng quản lý bản thân giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp. Trường PTDTBT THCS Bản Ngò có 8 lớp với 286 học sinh, thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Mông. Để giảng dạy một cách bài bản và thực sự có hiệu quả các tiết học kỹ năng sống và văn hóa truyền thống cho các em, giáo viên thường trao đổi với các nghệ nhân dân gian tại thôn, bản để nắm rõ về nội dung và nét đẹp trong văn hóa truyền thống mỗi dân tộc. Sự phối hợp đó đã giúp các điệu múa, nội dung lễ hội, trò chơi dân gian được truyền dạy cho các em đầy đủ và tự tin biểu diễn. Giúp các em hiểu về di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng tiêu biểu của địa phương như: Thác Tiên - Đèo gió, bãi đá cổ Nấm Dẩn… ; các văn hóa phi vật thể như Tết Khu Cù Tê của người La Chí, hát Lướn của dân tộc Nùng, lễ cấp sắc của người Dao… từ đó giúp các em thêm yêu quê hương và cội nguồn dân tộc mình.

Cô giáo Phạm Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Bản Ngò cho biết: Để thực hiện tốt việc đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống vào giảng dạy, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, các nghệ nhân và phụ huynh chuẩn bị tốt nhất nội dung thiết thực vào truyền dạy cho các em. Được giảng dạy kỹ năng sống và văn hóa truyền thống của dân tộc tại nhà trường không chỉ giúp các em tự tin, nhanh nhạy hơn mà còn hun đúc thêm tình yêu với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và biết thêm về các nét đặc sắc trong vắn hóa của nhiều dân tộc anh em.