Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Thanh Huyền - 19:18, 23/12/2022

Phát biểu tại Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh mong muốn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dành nguồn lực, sự quan tâm đến giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Các đồng chí điều hành Hội nghị
Các đồng chí lãnh đạo điều hành Hội nghị

Ngày 23/12, tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự, điều hành Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La.

Tham dự Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục trong vùng…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã đặc biệt quan tâm tới việc phát triển vùng, đề ra đường lối, chủ trương và giải pháp phù hợp để phát huy thế mạnh của các vùng trong sự phát triển chung của đất nước.

Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết để phát triển các vùng, trong đó, Nghị quyết số 11 là một trong các Nghị quyết vùng được ban hành đầu tiên. Điều này thể hiện mối quan đặc biệt tới vùng. Tiếp sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 11. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đều đã có kế hoạch triển khai riêng của mình để thực hiện Nghị quyết 11 và Chương trình hành động của Chính phủ.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: Khu vực các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ là khu vực có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đây cũng là vùng nhiều khó khăn, nhiều thách thức, mức sống của người dân và điều kiện KT-XH cần cải thiện nhiều. Phát triển bền vững khu vực là vấn đề lớn cần đặt ra, quan tâm trước mắt cũng như lâu dài.

Trong các giải pháp để phát triển GD&ĐT, giải pháp phát triển nhân lực, đặc biệt là phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí có thể xem là giải pháp của giải pháp, để thúc đẩy sự phát triển của vùng.

“Nhận thức được điều đó, Hội nghị hôm nay được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nhìn nhận ưu điểm, thành tựu, nhận thức hết, đánh giá sâu về các khó khăn và đề ra giải pháp nhằm phát triển GD&ĐT của vùng, cho vùng và vì mục tiêu phát triển chung của cả nước. Đây cũng là dịp để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất về tư tưởng và hành động để cùng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn diện tích trong vùng là đồi núi cao, giao thông chia cắt, đồng bào DTTS chiếm trên 56% dân số trong vùng. Mặc dù kinh tế của vùng gần đây đã có sự khởi sắc, nhưng vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh - xã hội của vùng tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị

Trong lĩnh vực GD&ĐT, các địa phương trong vùng đã triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ GD&ĐT phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa các địa phương trong vùng và cả nước. Các chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác xóa mù chữ, thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục vùng đồng bào DTTS được quan tâm đẩy mạnh. Trong đó, đã tập trung quan tâm tới các đối tượng người nghèo, cận nghèo, người DTTS ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn và các đối tượng thiệt thòi khác, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đối với vùng DTTS, miền núi.

Triển khai thực hiện hiệu quả công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em, học sinh đã được cải thiện, nhưng vẫn còn chênh lệch quá lớn giữa các vùng, đặc biệt là vùng DTTS và miền núi. Năm học 2021 - 2022, toàn vùng tỷ lệ trẻ nhà trẻ suy dinh dưỡng là 7,48% (cao hơn bình quân cả nước 3,22%, đứng thứ nhất cả nước); tỷ lệ trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng là 7,06% (cao hơn bình quân cả nước 2,42%; đứng thứ hai cả nước, chỉ sau vùng Tây Nguyên).

Chất lượng giáo dục phổ thông có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh lên lớp ở cả 3 cấp Tiểu học, THCS, THPT có chiều hướng gia tăng. Năm học 2020 - 2021, trung bình tỷ lệ học sinh Tiểu học lên lớp của khu vực là 99,18% (thấp hơn bình quân cả nước 0,03%; đứng vị trí thứ 3 so với các vùng trong cả nước). Đối với cấp THCS, tỷ lệ học sinh lên lớp trung bình là 98,86% (thấp hơn bình quân cả nước là 0,06%, đứng thứ 4 so với các vùng trong cả nước). Đối với cấp THPT, tỷ lệ học sinh lên lớp trung bình là 97,87% (cao hơn bình quân cả nước 0,04%). Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT toàn vùng đạt 98,65% (cao hơn bình quân cả nước 0,08%). Trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của vùng là 6,18 điểm (thấp hơn trung bình cả nước 0,22 điểm).

Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, với nhiều mục tiêu quan trọng.

Với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển GD&ĐT vùng này, để thực hiện được các mục tiêu đó, ngành Giáo dục thực hiện các nhiệm vụ, như: Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD&ĐT. Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, trong đó có việc ưu tiên củng cố, phát triển các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú, các cơ sở giáo dục Mầm non, phổ thông ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng GD&ĐT: Về đội ngũ giáo viên; về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; ngân sách nhà nước đầu tư cho GD&ĐT. Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển GD&ĐT. Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển GD&ĐT, trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp; rà soát, thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người học là người DTTS; chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn…

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã khẳng định những kết quả đạt được, nêu bật những khó khăn thách thức, giải pháp thúc đẩy GD&ĐT vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, trong đó, các giải pháp quan tâm đến giáo dục vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; củng cố hệ thống trường PTDT nội trú, PTDT bán trú, chính sách, chế độ cho nhà giáo công tác tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; quan tâm đến những chính sách đặc thù cho học sinh DTTS, chú trọng giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc... được nhiều đại biểu quan tâm kiến nghị.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, GD&ĐT vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gắn liền với GD&ĐT vùng đồng bào DTTS. Nêu những điều kiện đặc thù của vùng, về điều kiện địa hình, thành phần dân tộc, trong đó có lĩnh vực GD&ĐT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm chia sẻ, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển GD&ĐT vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan tham mưu, ban hành nhiều chính sách khác nhau, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 dành hẳn một dự án về phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Với chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cam kết sẽ tiếp tục đồng hành phối hợp, rà soát, đánh giá chính sách giáo dục vùng DTTS. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện hiệu quả chính sách giáo dục dân tộc, góp phần đưa GD&ĐT vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ phát triển bền vững.

Để thúc đẩy phát triển GD&ĐT vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là giáo dục dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh mong muốn Bộ GD&ĐT phối hợp với bộ, ngành liên quan tham mưu cụ thể hóa các chính sách, đi liền với xây dựng chính sách mới, bãi bỏ những chính sách lỗi thời, nhất là chính sách liên quan đến người dạy, người học, phải bảo đảm tính toàn diện. Đồng thời, ưu tiên tập trung nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; ưu tiên, đề án kiên cố hóa trường lớp; có quy hoạch tổng thể để định hình mô hình của các cơ sở giáo dục của từng địa bàn, từng dân tộc khác nhau.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng, kỹ năng cho đội ngũ giáo viên giảng dạy ở vùng đồng bào DTTS; gắn dạy kiến thức với đào tạo nghề, bảo tồn văn hóa. Triển khai hiệu quả các dự án đã được nêu ra trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định sự thành công của Hội nghị và trân trọng cảm ơn những ý kiến tham luận, đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị. Bộ trưởng khẳng định, trước những thách thức, khó khăn to lớn, nhưng sự nghiệp GD&ĐT vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt được nhiều thành công.

Bộ trưởng đề nghị, toàn Ngành cần nhận diện những việc phải làm cấp thiết, cấp bách trong giai đoạn tới, cần thực hiện công cuộc “xóa đói, giảm nghèo” trong giáo dục. Giải quyết hài hòa phát triển giáo dục khu vực này cần phải khắc phục việc các chính sách ưu tiên, ưu đãi đặc thù, chưa đủ mạnh, đột phá, chưa mang tính quyết liệt. Vì vậy, các chính sách sẽ được rà soát điều chỉnh theo hướng gọn, đủ mạnh, đột phá. Đặc biệt là đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp…

“Sự chuyển biến lớn sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan phối hợp; toàn ngành Giáo dục cùng nhau thực hiện, tạo sự chuyển biến toàn diện.