Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bạn cần làm gì khi tự test nhanh cho kết quả dương tính SARS-CoV-2?

T.Hợp - 14:00, 11/12/2021

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ca mắc trong cộng đồng tăng cao. Để bảo vệ bản thân, người dân tự mua test nhanh về làm xét nghiệm cho mình. Tuy nhiên, khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2 người dân không nên tự đến các cơ sở chuyên điều trị F0 nặng, gây tình trạng quá tải cho cho cơ sở y tế mà hãy làm ngay các việc sau đây.


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong trường hợp bạn test nhanh dương tính tại nhà, để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, trước hết bạn phải thật bình tĩnh, không nên hoảng hốt tự đi đến các bệnh viện tuyến trên bởi như vậy sẽ gây nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, quá tải cho các cơ sở y tế. Bạn hãy khẩn trương thông báo ngay cho trạm y tế phường, chính quyền sở tại nơi mình sinh sống để được hướng dẫn và lấy mẫu xét nghiệm khẳng định.

Để đảm bảo an toàn, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR bạn nên tự cách ly mình tại phòng riêng, hạn chế tiếp xúc với người thân, thú cưng trong gia đình. Tốt nhất, bạn nên sử dụng nhà vệ sinh riêng, không dùng chung vật dụng cá nhân như: khăn mặt, chén bát,…

Trong thời gian chờ đợi bạn phải liên hệ chặt chẽ với cán bộ y tế phường để theo dõi và cập nhật các triệu chứng, dấu hiệu chuyển nặng, từ đó có thể can thiệp y tế kịp thời.

Khi có kết quả, nếu bạn được khẳng định dương tính, cán bộ y tế phường sẽ hướng dẫn phân tầng, chuyển tới nơi thu dung để bệnh nhân được điều trị đúng tầng, tránh quá tải cho cơ sở y tế.

Bác sĩ cũng khuyến cáo: Trong thời gian chờ được xử lý sau khi phát hiện dương tính, người dân bình tĩnh, tự theo dõi, lắng nghe cơ thể mình theo cách sau: Đo nhiệt độ 2 lần/ngày, đo chỉ số oxy trong máu (SpO2) bằng thiết bị kẹp đầu ngón tay, theo dõi các cảm giác như tức ngực, khó thở... Nếu có bất thường cần báo với nhân viên y tế để được hướng dẫn kịp thời.

Hà Nội hiện phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. Cụ thể:

Tầng 1 dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình. Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao. Những trường hợp này điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.

Tầng 3 dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao. Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và các bệnh viện trung ương.