Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc huyền sâm

Như Ý - 17:03, 31/07/2023

Huyền sâm hay được biết đến với tên gọi khác là hắc sâm, đại nguyên sâm, huyền đài, trục mã, phức thảo, dã chi ma.. có vị đắng, ngọt, tính mát. Huyền sâm có tác dụng giải độc, tiêu viêm… và được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian cổ truyền để điều trị các loại bệnh thường gặp khác nhau. Sau đây là một số bài thuốc có sử dụng huyền sâm mời các bạn tham khảo.

Huyền sâm được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian cổ truyền để điều trị các loại bệnh thường gặp khác nhau
Huyền sâm được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian cổ truyền để điều trị các loại bệnh thường gặp khác nhau

Đặc điểm của cây huyền sâm

Cây huyền sâm là loài cây thuốc quý, thân thảo sống lâu năm cao chừng 1,5 – 2m. Thân cây vuông có màu xanh và rãnh dọc trên thân. Lá cây có màu tím xanh, mọc đối hình chữ thập, hình trứng đầu lá hơi nhọn. Cuống lá ngắn, phiến lá dài 3 – 8cm, rộng 1,8 – 6cm, xung quanh mép lá có răng cưa nhỏ và đều.

Cây huyền sâm ra hoa vào mùa hè, hoa mọc thành chùm ở đầu ngọn cây. Hoa huyền sâm có ống tràng hình chén, cánh hoa hình môi chia làm 5 thùy hơi ngã màu tím. Quả bế đôi hình trứng, có nhiều hạt nhỏ màu đen.

Rễ cây dài khoảng 10 -20 cm, ở giữa phần rễ sẽ phình lớn thành củ với hai đầu hơi thon. Mỗi cây huyền sâm sẽ có từ 4 – 5 củ mọc thành từng chùm có màu trắng hoặc vàng nhạt.

Có thể thu hoạch phần rễ củ của cây thuốc huyền sâm để bào chế thành thuốc. Thông thường, cây huyền sâm sẽ được thu hoạch vào tháng 10 – 11 hằng năm. Khi thu hoạch, người ta sẽ đào nhẹ nhàng bên dưới để lấy phần rễ củ nguyên vẹn, rồi mang rửa sạch, bỏ đi phần rễ con và phân loại theo kích thước.

Cách sơ chế huyền sâm cũng khá nhiều, thông thường bạn có thể mang phơi hoặc sấy đến khi rễ khô, rồi đem ủ từ 2 - 3 ngày đến khi phần ruột chuyển thành màu đen hoặc nâu đen, sau đó tiếp tục phơi đến khi khô khoảng 9 phần thì cho vào trong xảo, đảo qua lại để cho đất cát và rễ củ rơi ra hết, rồi phân loại sử dụng.

(Tổng hợp) Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc huyền sâm 1

Một số bài thuốc từ huyền sâm

Trị sốt cao, mụn nhọt, mẩn ngứa: Dùng huyền sâm, sinh địa, kim ngân hoa, liên kiều, bột sừng trâu, mạch môn mỗi vị 12g; đạm trúc diệp 10g; đan sâm 8g; hoàng liên 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống tới khi hết các triệu chứng.

Điều trị mất ngủ, người mệt mỏi: Chuẩn bị nhân sâm, huyền sâm, đan sâm, bạch linh, viễn chí, cát cánh mỗi thứ 20g, đương quy, mạch môn, thiên môn, bá tử nhân, toan táo nhân mỗi thứ 40g, sinh địa 160g. Các vị thuốc tán nhỏ, làm thành viên hoàn bằng hạt bắp, dùng chu sa làm áo bên ngoài. Uống với nước ấm vào lúc đói.

Trị cơ thể suy nhược ăn ít do lao phổi, ho sốt: Huyền sâm 20g, sơn dược 40g, bạch truật 12g, ngưu bàng tử 12g, kê nội kim 8g. Sắc uống.

Trị bạch hầu: Chuẩn bị huyền sâm 20g, sinh địa 16g, mạch môn 12g, cam thảo 4g, bối mẫu 8g, đơn bì 12g, bạch thược 16g, bạc hà 2g, sắc uống.

(Tổng hợp) Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc huyền sâm 2

Trị tiểu đường có khát nhiều, táo nhiều: Chuẩn bị huyền sâm 16g; sinh địa, thiên hoa phấn mỗi vị 20g; mạch môn, tri mẫu mỗi vị 12g, thạch cao 40g; hoàng liên 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống 3-4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống lại.

Trị tiểu đường mà phế: Chuẩn bị huyền sâm 15g; hoàng cầm, hoàng liên, mần tưới mỗi vị 6g; thương truật 9g; hạnh nhân 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống 3 - 4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống lại.

Trị lao: Chuẩn bị huyền sâm 480g, cam tùng 180g, tán bột. Luyện với 480g mật ong, trộn đều, bỏ vào hũ, bịt kín, chôn dưới đất 10 ngày xong lấy ra. Lại dùng tro luyện với mật, cho vào cả trong bình, đậy lại, ủ kín thêm 5 ngày nữa, lấy ra đốt cháy, cho người bệnh ngửi

Trị viêm họng, viêm amidan, mụn nhọt, lở ngứa: Dùng huyền sâm, sài đất, thổ phục linh mỗi vị 10 -12g; cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền tới khi hết các triệu chứng.

(Tổng hợp) Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc huyền sâm 3

Hỗ trợ người lao phổi: Dùng huyền sâm, sa sâm, mạch môn, sinh địa mỗi vị 12g; thiên môn, a giao, bách bộ mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống 3 - 4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống lại liệu trình nữa.

Trị ho lâu ngày do phế âm hư, huyết hư: Lấy huyền sâm, đương quy, bạch thược, cát cánh mỗi vị 6g; mạch môn, sinh địa, mỗi vị 8g; bách hợp 10g; thục địa 12g; cam thảo 4g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày 1 thang, uống liền 3 - 4 tuần lễ.

Trị phát ban: Dùng huyền sâm 16g, thăng ma 12g, cam thảo 8g. Sắc uống

Trị tróc da tay: Mỗi ngày dùng huyền sâm, sinh địa mỗi thứ 30g. Hãm với nước nóng, uống như trà.

Trị u, nhọt kết thành khối rắn: Lấy huyền sâm, liên kiều mỗi vị 16g; mẫu lệ, hạ khô thảo mỗi vị 12g; bối mẫu 8g. Uống ngày 1 thang, uống liền tới khi hết các triệu chứng.

Trị viêm hạch, lao hạch, nhọt vú: Dùng huyền sâm 20g; nga truật, xạ can, bồ công anh, mộc thông mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

(Tổng hợp) Bài thuốc chữa bệnh từ vị thuốc huyền sâm 4

Chữa viêm tắc mạch máu ở chân tay: Huyền sâm 24g, đương quy, cam thảo dây, huyết giác, ngưu tất đều 10g sắc uống.

Trị loét miệng: Dùng huyền sâm 12g; sinh địa, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g; sa sâm, mạch môn, hoàng bá, ngọc trúc mỗi vị 12g; tri mẫu, đan bì mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

Chữa viêm hạch, lao hạch, nổi hạch ở cổ, ở vú và lao màng bụng nổi cục: Huyền sâm 20g, nghệ đen, rễ quạt, bồ công anh, mộc thông đều 10g, sắc uống.

Lưu ý

Do huyền sâm có tính mát, nên khi uống thuốc kiêng các thức ăn đắng, lạnh như mướp đắng, ốc hến,… Đồng thời không dùng cho người tiêu hóa kém, thường lạnh bụng tiêu chảy.

Vị thuốc này không được dùng chung với các loại dược liệu như can khương, đại táo, hoàng kỳ và lê lô.

Huyền sâm có thể gây ra một số tác dụng phụ khi dùng như nôn mửa, tiêu chảy, giảm nhịp tim, chán ăn, buồn nôn,...đặc biệt không dùng nếu bệnh nhân có dùng thuốc trị tiểu đường, thuốc ức chế beta, thuốc chống loạn nhịp,…