Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bắc Giang: Tín dụng góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Tiến Mạnh - 18:09, 19/12/2019

Trong những năm qua, với sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã góp phần thúc đẩy công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.

Các con đường của thôn Đông Thượng hôm nay đã được bê tông hóa sạch sẽ, thoáng rộng
Các con đường của thôn Đông Thượng hôm nay đã được bê tông hóa sạch sẽ, thoáng rộng

Xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là xã miền núi có địa hình khá phức tạp, ruộng đồng chiêm trũng; hệ thống điện, đường, trường, trạm y tế còn rất khó khăn, việc làm của con em địa phương chưa có, thu nhập bình quân đầu người thấp… Tuy nhiên, mấy năm gần đây, xã Lãng Sơn tập trung triển khai chương trình xây dựng NTM, do đó đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy xã phát triển toàn diện. Kết quả là Lãng Sơn đã hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2017. 

Ông Nguyễn Đức Thu, Chủ tịch UBND xã Lãng Sơn phấn khởi thông tin, đời sống của người dân ngày càng ổn định; nhiều hộ còn vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu có. Theo Chủ tịch xã, góp phần làm nên kết quả này phải khẳng định là nhờ một phần nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH huyện Yên Dũng, giúp địa phương và người dân hoàn thành mục tiêu.

Cụ thể hơn là, sau việc tốt dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân xây dựng mô hình sản xuất lúa tập trung tại các thôn: Mỹ Tượng, Sơn Thịnh, Tân Mỹ, Đông Thượng... với các giống lúa chất lượng cao, góp phần nâng thu nhập cho bà con lên tối đa 150 triệu đồng/ha/năm. Nguồn vốn tín dụng còn góp phần duy trì nghề mộc truyền thống, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động…; qua đó, đưa thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã tăng mạnh, năm 2017 là 28 triệu đồng/người/năm; năm 2019 là 45 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần đến năm 2019 chỉ còn 43 hộ, bằng 2,7%. 

Theo ước tính của UBND tỉnh, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Giang năm 2019 giảm 2,24% so với năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo các xã ĐBKK năm 2019 ước giảm còn 22,61% (giảm 9,55% so với năm 2018), vượt kế hoạch 5,55%.

Nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai trên tất cả 230 xã, phường, thị trấn, trở thành một động lực, giúp Bắc Giang phấn đấu đạt thêm 25 xã đạt chuẩn NTM năm 2019. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, cùng với nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và xây dựng NTM từ Ngân hàng CSXH, tỉnh Bắc Giang cũng đang tập trung nguồn lực cho các Chương trình mục tiêu quốc gia (TMTQG) với tổng vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã giải ngân ước hết năm 2019 đạt 473 tỷ đồng, bằng 89,7% kế hoạch. 

Đầu tư tín dụng của Ngân hàng CSXH đang góp phần thực hiện thành công các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, mà nổi bật nhất là đã giúp Bắc Giang chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Với việc thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2019 toàn tỉnh Bắc Giang đã có 25 - 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; có 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, một số sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có nhãn hiệu tập thể, có mẫu mã đẹp, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, được thị trường và nhiều người tiêu dùng biết đến.

Những nền tảng đã đạt được là cơ sở để Bắc Giang hướng tới tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và xa hơn nữa cho giai đoạn 2021 - 2030 là hướng đến NTM kiểu mẫu nâng cao.