Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bắc Giang: Quyết tâm thực hiện hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi

Vân Khánh - 14:00, 15/03/2023

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP, với việc triển khai hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bắc Giang đã chuyển biến rõ rệt. Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Giang quyết tâm tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Toàn cảnh Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS miền núi
Toàn cảnh Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS miền núi

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có gần 260.000 người DTTS (chiếm 14,26% dân số), trong đó có 6 DTTS dân số đông, sống thành cộng đồng, gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa và Dao.

Những năm qua, cùng với các nguồn vốn hỗ trợ, tỉnh dành nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi. Diện mạo khu vực này có những thay đổi tích cực, tăng trưởng và phát triển mạnh, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Sơn Động tăng bình quân 13%/năm, huyện Lục Nam hơn 10%, huyện Lục Ngạn hơn 8,5%. Thu nhập bình quân của hộ DTTS đạt khoảng 65 triệu đồng/hộ/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,2%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7,63%/năm (giai đoạn 2015 - 2020). Đến nay có 36/73 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Có được kết quả này, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, đồng bào các DTTS phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực.

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG), tỉnh triển khai 10 dự án thành phần về hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu; đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa mù chữ, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, bảo tồn bản sắc văn hoá các DTTS… với hơn 100 cơ quan, đơn vị làm chủ đầu tư.

Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, từ các nguồn vốn, tỉnh dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện 10 dự án của Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó ngân sách trung ương hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 241 tỷ đồng, còn lại là vốn chính sách, ngân sách huyện, xã, nguồn vốn khác. Đến nay tỉnh đã hoàn thiện dự thảo; bố trí kinh phí xây dựng phần mềm quản lý Chương trình, tạo thuận lợi cho các đơn vị chủ trì, chủ đầu tư và cán bộ, công chức trong việc theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các dự án.

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, Bắc Giang đã có nhiều chính sách riêng, quan tâm hỗ trợ các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Để đón “làn gió mới” về vùng DTTS và miền núi, UBND tỉnh đã có kế hoạch đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển của Chương trình. Trong đó tập trung xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư xây dựng công trình tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư cải tạo nâng cấp đường đến trung tâm xã; cải tạo nâng cấp chợ; đầu tư xây dựng các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú; tu bổ di tích quốc gia đặc biệt, cải tạo nâng cấp trạm y tế xã.

Cùng với nguồn hỗ trợ, tỉnh đã xây dựng chính sách riêng đầu tư cho vùng DTTS như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng 65 công trình ngầm dân sinh, 8 công trình cầu dân sinh vùng đồng bào DTTS với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng (nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025); hỗ trợ kinh phí thêm 30% mức lương cơ sở/học sinh ở bán trú/tháng; thêm 20% mức lương cơ sở/học sinh ở nội trú/tháng). Đặc biệt, trong giai đoạn này, Bắc Giang có chủ trương xây dựng trung tâm y tế các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế (địa bàn có đông đồng bào DTTS), mỗi trung tâm 150 tỷ đồng.

Nông thôn mới vùng DTTS ở Sơn Động, Bắc Giang ngày càng khởi sắc
Nông thôn mới vùng DTTS ở Sơn Động, Bắc Giang ngày càng khởi sắc

Về chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, tỉnh cũng dành hơn 16,3 tỷ đồng để xây dựng, nâng cao chất lượng Người có uy tín và hiệu quả công tác vận động, phát huy vai trò của đội ngũ này. Do đó, trong giai đoạn này, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm cho Người có uy tín.

Cùng với thế mạnh trong phát triển kinh tế với nhiều mô hình hiệu quả thì vùng đồng bào DTTS Bắc Giang cũng có nhiều nét văn hóa đặc trưng. Để lưu giữ truyền thống, tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ các địa phương trong việc lưu giữ, cũng như quảng bá nét văn hóa riêng này.

Tại huyện Sơn Động, địa phương tập trung đông đồng bào DTTS, được tỉnh chọn là địa phương điểm triển khai thực hiện Chương trình MTQG, tổng nhu cầu vốn và huy động vốn thực hiện Chương trình cả giai đoạn 2021 - 2025 của huyện là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng với 20 đơn vị, xã, thị trấn làm chủ đầu tư. Riêng năm 2022, nguồn vốn huyện chủ trì thực hiện hơn 83,8 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn và huy động vốn thực hiện Chương trình của huyện Sơn Động là hơn 1,2 nghìn tỷ đồng với 20 đơn vị, xã, thị trấn làm chủ đầu tư. Riêng năm 2022, nguồn vốn huyện chủ trì thực hiện hơn 83,8 tỷ đồng. Đến nay địa phương đã trình huyện thẩm định hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất chăn nuôi gà cho 15 hộ nghèo; khởi công 3 công trình.

Thời gian tới, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm rà soát các dự án, tiểu dự án thành phần, bảo đảm đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định, phát huy được hiệu quả chính sách.

Với các khó khăn, vướng mắc, tỉnh sẽ chủ động phối hợp các sở, ngành hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo tiền đề thực hiện trong năm 2023.

Một số mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi đến năm 2025: Tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm hơn 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng hơn 2 lần so với năm 2020; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa 95%; 100% thôn, bản đặc biệt khó khăn bảo đảm giao thông trong mùa mưa lũ; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương 50%, tưới tiêu chủ động cho 75% diện tích trồng lúa nước và cây hằng năm...