Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Bà Rịa – Vũng Tàu: Giải quyết nhiều nhu cầu cấp thiết cho hộ nghèo DTTS

Lê Vũ - Bảo Trần - 07:51, 12/11/2023

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) , tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang ưu tiên giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ đổi thay toàn diện vùng đồng bào DTTS.

Ngồi trước ngôi nhà mới được hỗ trợ xây dựng theo Chương trình MTQG 1719, chị Dương Thị Hoa, dân tộc Chơ Ro, ngụ tại tổ 2, thôn Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức phấn khởi chia sẻ: "Có được căn nhà này là mừng lắm, giúp mình có chỗ ở ổn định, cuộc sống đỡ lo lắng. Mình rất cảm ơn chính quyền, nhất là các cán bộ làm công tác dân tộc ở đây đã quan tâm đến nguyện vọng và hỗ trợ gia đình mình”.

Chị Dương Thị Hoa (dân tộc Chơ Ro) ngồi trò chuyện với phóng viên trước ngôi nhà vừa xây mới theo Chương trình MTQG 1719
Chị Dương Thị Hoa (dân tộc Chơ Ro) trò chuyện với phóng viên trước ngôi nhà vừa xây mới theo Chương trình MTQG 1719

Anh Bùi Quốc Thịnh, cán bộ phụ trách công tác dân tộc tại xã Láng Lớn cho biết, chị Hoa là một trong những hộ được hỗ trợ xây nhà theo Chương trình MTQG 1719 , căn nhà đã được nghiệm thu bàn giao cho gia đình, với nguồn kinh phí 40 triệu đồng từ Chương trình trong năm 2022; ngoài ra, địa phương lồng ghép kinh phí từ Quỹ vì người nghèo của huyện, kinh phí hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và của gia đình nên căn nhà được xây dựng tương đối khang trang.

Ông Trần Phúc Lộc, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết thêm: Năm 2022 huyện Châu Đức đã hỗ trợ xây 46 căn nhà ở mới cho đồng bào DTTS, với tổng kinh phí 3 tỷ đồng; sửa chữa 28 căn với kinh phí 840 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 65 nhà vệ sinh với tổng 975 triệu đồng; đến nay các hạng mục đã xong và đã tổ chức bàn giao cho hộ dân sử dụng. Ngoài ra, Huyện cũng phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh kiểm tra, nghiệm thu lắp nước sinh hoạt cho 62 hộ, lắp đồng hồ điện cho 11 hộ, với kinh phí 850 triệu đồng.

Riêng năm 2023, huyện đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức rà soát, thẩm định trực tiếp tại các hộ gia đình đồng bào đề nghị hỗ trợ, kết quả cụ thể theo ghi nhận là nhu cầu xây mới nhà ở là 34 căn; sửa chữa 23 căn; nhà vệ sinh 51 cái.

Công tác rà soát, thẩm định nhu cầu của bà con đồng bào DTTS hiện đang được các cán bộ tại các địa phương triển khai rất thường xuyên, cụ thể
Công tác rà soát, thẩm định nhu cầu thiết yếu của bà con đồng bào DTTS đang được các cán bộ tại các địa phương triển khai thường xuyên

Ông Dương Văn Hạnh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: để nắm bắt nhu cầu của bà con, từ đầu năm 2023, Ban Dân tộc đã phối hợp cùng các huyện, thị xã, thành phố phối hợp kiểm tra, khảo sát thẩm định các hộ đồng bào DTTS có nhu cầu đề nghị hỗ trợ xây dựng nhà ở, sửa chữa nhà ở, xây mới nhà vệ sinh; vận động đồng bào phát huy nội lực, ổn định công ăn việc làm, phát triển kinh tế theo hướng bền vững. 

Năm 2023, UBND tỉnh bố trí tổng kinh phí 163,7 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào DTTS còn khó khăn về nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, điện thắp sáng, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa; hỗ trợ các lễ hội văn hóa truyền thống, sinh hoạt cộng đồng…

“Giải pháp khảo sát nhu cầu thực tế từng hộ DTTS, là cách làm thiết thực để triển khai Chương trình MTQG 1719 và Nghị quyết 108 của tỉnh đúng mục đích và hiệu quả”,  ông Dương Văn Hạnh chia sẻ thêm.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương không quá đông đồng bào DTTS, bà con thường sống xen kẽ trong các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, ở những khu vực tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống trên các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ, thì đa phần đều là những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của bà con là rất cần thiết, để từ đó các chính sách hỗ trợ sẽ sát sao hơn và đúng với nhu cầu thực tế của bà con hơn.

Như trường hợp gia đình chị Ka Tép (dân tộc Mạ) và anh Dương Văn Thành (dân tộc Chơ Ro) ngụ thôn Sông Xoài 4, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức. Chị Ka Tép nói trong xúc động: “Chẳng những được sửa nhà, em còn có công việc ổn định ở công ty điện tử gần nhà. Từ nay, vợ chồng em không còn lo việc thu nhập bấp bênh, có điều kiện chăm  lo tốt hơn cho con ăn học”.

Ngôi nhà của vợ chồng chị Ka tép và anh Dương Văn Thành đang được khởi công hỗ trợ sửa chữa theo Chương trình MTQG 1719
Ngôi nhà của vợ chồng chị Ka Tép và anh Dương Văn Thành đang được hỗ trợ sửa chữa từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG 1719

Tương tự, niềm vui cũng hiện rõ trên khuôn mặt bà Mê Thị Danh (72 tuổi), dân tộc Khmer, ấp Cầu Mới, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ khi nói về căn nhà mới: “Hai vợ chồng bán vé số quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Con trai lớn làm thuê theo ngày nên không dư dả. Căn nhà lụp xụp, mưa xuống thấm trước dột sau. Được hỗ trợ số tiền 75 triệu đồng xây nhà mới, niềm mơ ước bấy lâu nay của vợ chồng tôi đã được toại nguyện".

Có thể thấy, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS đang triển khai tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đem lại hiệu quả thiết thực, giải quyết được cơ bản nhu cầu cấp thiết của bà con. Bên cạnh các chính sách chung từ Chương trình MTQG 1719, mỗi địa phương còn thực hiện nhiều chương trình đặc thù, chính sách cụ thể, sát, đúng với thực tiễn trên cơ sở lồng ghép, huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ tốt nhất cho bà con.

Đồng thời, cũng đảm bảo mục tiêu chung của tỉnh đề ra là đến năm 2025: 99,5% hộ DTTS có nhà ở đạt tiêu chuẩn từ bán kiên cố trở lên; trên 95,5% hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh theo chuẩn; trên 99,8% hộ được sử dụng điện thường xuyên; trên 83% hộ được sử dụng nước máy, gia tăng hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 99,8%. 100% thôn, ấp có đông đồng bào DTTS sinh sống có đường giao thông được cứng hóa và cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.