Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ba Chẽ vượt khó "về đích" cuộc điều tra 53 DTTS

Mỹ Dung - 15:57, 28/08/2024

Từ ngày 01/7/2024, cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024 (Cuộc điều tra 53 DTTS) được triển khai đồng loạt trên toàn quốc. Với đặc thù địa bàn miền núi biên giới, dân cư sống rải rác, tuy nhiên cùng với cả nước, Cuộc điều tra 53 DTTS trên địa bàn huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đến ngày 15/8 đã hoàn thành kế hoạch, đảm bảo tiến độ và chất lượng thu thập thông tin.

Các điều tra viên nỗ lực "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để kịp thời đảm bảo tiến độ và chất lượng cuộc điều tra
Các điều tra viên nỗ lực "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để kịp thời đảm bảo tiến độ và chất lượng cuộc điều tra

Nỗ lực vượt khó

Ba Chẽ là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh với hơn 80% số dân là người DTTS. Đây là một trong những địa phương có đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn của tỉnh. Xác định Cuộc điều tra 53 DTTS có ý nghĩa quan trọng nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn qua; đồng thời là cơ sở để hoạch định chính sách dân tộc trong giai đoạn tiếp theo, ngay từ đầu, huyện Ba Chẽ đã đưa ra quyết tâm dồn lực phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng Cuộc điều tra 53 DTTS. 

Theo đó, mọi nội dung, hoạt động Cuộc điều tra 53 DTTS đều được các đơn vị chức năng địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng; trong đó, đội ngũ điều tra viên được lựa chọn, là những người có kinh nghiệm, am hiểu vùng đồng bào DTTS và tâm huyết với công việc, được tập huấn kỹ lưỡng và tiến hành điều tra thu thập thông tin, với phương châm vượt khó “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Anh Đàm Văn Phục, cán bộ Văn phòng Thống kê xã Thanh Lâm cho biết, xã triển khai điều tra, thu thập thông tin tại 3 thôn, với khoảng trên 100 hộ dân. Năm nay thay vì rà soát, cập nhật bằng giấy như các năm trước, thì chuyển sang phần mềm điện tử nên cũng nhanh, thuận lợi hơn nhiều cho các điều tra viên.

“Kỳ điều tra này chúng tôi sử dụng phần mềm điện tử nên rất thuận lợi. Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn do không ít người không nhớ chính xác thông tin, phải mất thời gian tìm hiểu các giấy tờ để cung cấp. Đặc biệt là ở các thôn hẻo lánh, xa trung tâm và trình độ dân trí còn thấp, người dân rất ngại tiếp xúc với điều tra viên nên Người có uy tín, Trưởng bản phải tích cực hỗ trợ chúng tôi mới thực hiện được”, anh Phục nói thêm.

Nghề đan lát truyền thống của người Tày ở huyện vùng cao Ba Chẽ đang được bà con duy trì và phát huy trong đời sống.
Nguồn lực từ chương trình chính sách dân tộc đã tạo điều kiện để nhiều làng nghề truyền thống của đồng bào được khôi phục (Trong ảnh: Nghề đan lát truyền thống của người Tày ở huyện vùng cao Ba Chẽ đang được bà con duy trì và phát huy trong đời sống).

Xã Đạp Thanh là xã vùng cao của huyện Ba Chẽ, với khoảng 98% là người DTTS, chủ yếu là người Tày, Sán Chỉ và Dao. Anh Đặng Văn Hồng, cán bộ Văn phòng Thống kê xã cho biết, xã có 3 thôn với 120 hộ thuộc danh sách điều tra.

“Địa bàn Đạp Thanh tương đối rộng, thôn xa nhất cách trung tâm xã khoảng 10km, dân số thưa thớt, sống rải rác. Ban ngày hầu như bà con đi làm hết, chỉ có lác đác 1, 2 hộ ở nhà. Thế nên khoảng 10 ngày tôi cũng mới chỉ làm được điều tra khoảng 12 hộ. Sau khi báo cáo tình hình này, xã đã bổ sung thêm 1 điều tra viên và được tập huấn kịp thời nên cũng thuận lợi, kịp tiến độ đề ra”.

Mặc dù đang vào mùa vụ, bà con nông dân đang tập trung xuống đồng nên việc điều tra, thu thập thông tin gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà công tác điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS bị ảnh hưởng về tiến độ; tranh thủ giờ nghỉ trưa và các buổi tối đội ngũ điều tra viên trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã tích cực triển khai nhiệm vụ, đảm bảo được mục tiêu có được thông tin, số liệu cập nhật nhất, chính xác nhất theo yêu cầu đề ra.

Phấn đấu hoàn thành cuộc điều tra

Để triển khai hiệu quả Cuộc điều tra 53 DTTS, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, huyện Bình Liêu đã phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín, qua đó đã góp phần hoàn thành cuộc điều tra đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra.

Thời gian qua, huyện ba Chẽ đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa
Những năm qua, huyện miền núi ba Chẽ đã triển khai hiệu quả chính sách dân tộc để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân vùng sâu, vùng xa

Chia sẻ về điều này, Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Chẽ Triệu Đức Phượng cho biết: “Để Cuộc điều tra về đích trước thời hạn, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các cán bộ, điều tra viên, giám sát viên, thì đội ngũ Già làng, trưởng bản, Người có uy tín đã đồng hành, tuyên truyền, vận động đồng bào cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho đội ngũ điều tra viên về địa bàn để điều tra, thu thập thông tin”. 

Phó Chi cục trưởng Chi cục thống kê huyện Ba Chẽ Đinh Văn Hùng thông tin: Với địa bàn điều tra rộng, hộ DTTS nằm rải rác, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thêm vào đó, thời gian thu thập thông tin lại trùng vào mùa mưa nên tiến độ điều tra, thu thập thông tin phần nào cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra cuộc điều tra 53 DTTS có 2 xã (Thanh Lâm và Đạp Thanh) đề nghị có bổ sung điều tra viên.

"Do cũng có tiên lượng về khó khăn trước nên chúng tôi kịp thời nắm bắt tình hình và hỗ trợ việc tập huấn cho các điều tra viên về kỹ năng nên việc thu thập thông tin vẫn đảm bảo tiến độ và chất lượng. Đến ngày 15/8, huyện Ba Chẽ đã tổ chức thu thập thông tin được 1.026 hộ gia đình, đạt 100% kế hoạch”, ông Hùng cho hay.

Có thể nói, với tầm quan trọng, ý nghĩa của Cuộc điều tra 53 DTTS, huyện Ba Chẽ đã thể hiện tinh thần quyết tâm "về đích" đúng tiến độ. Để thực hiện được, ngoài vai trò của lực lượng giám sát viên, điều tra viên và tổ trưởng tổ điều tra nỗ lực vượt khó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm thu thập thông tin nhanh chóng và chính xác, là sự đồng thuận phối hợp của đồng bào các DTTS.