Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

An Giang: Ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Đông sông Châu Đốc

Hồng Diễm - 18:49, 24/06/2021

Ngày 24/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, UBND tỉnh vừa ký Quyết định số 1368/QĐ-UBND ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ Đông sông Châu Đốc tại tổ 44, ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Hiện trường đoạn sạt lở ở bờ Đông sông Châu Đốc. Ảnh: CTV
Hiện trường đoạn sạt lở ở bờ Đông sông Châu Đốc. Ảnh: CTV

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khoanh vùng có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cắm biển báo phạm vi sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn và tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến sạt lở, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

UBND huyện An Phú theo dõi diễn biến sạt lở, kịp thời xử lý di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Thông báo, cắm biển cảnh báo sạt lở, rào chắn không cho người, phương tiện vào khu vực có nguy cơ sạt lở; phối hợp các đơn vị bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực.

UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu, Sở Giao thông Vận tải cùng Công an tỉnh phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông qua khu vực nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Đồng thời, khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công có đủ năng lực, kinh nghiệm, tổ chức lập phương án xử lý cấp bách; huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật.

Trước đó, khoảng 10 giờ, ngày 5/6, tại khu vực tổ 44, ấp An Thạnh, thị trấn An Phú, huyện An Phú, tỉnh An Giang (đoạn bờ Đông sông Châu Đốc) xảy ra sạt lở dài 70m, ăn sâu vào đất liền 15m, cách Tỉnh lộ 957 khoảng 20m, làm ảnh hưởng 6 căn nhà. Trong đó, có 2 căn bị sụp một phần nhà bếp xuống sông.

Theo các ngành chức năng, nguyên nhân vụ sạt lở được xác định ban đầu do ảnh hưởng dòng chảy của đoạn sông cong; dòng chảy áp sát bờ, tạo thành lạch sâu và hàm ếch gây sạt lở.