Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ấm áp những ngôi nhà mang tên "Khăn quàng đỏ"

Quỳnh Trâm - 17:13, 07/04/2021

Chương trình xây nhà "Khăn quàng đỏ" được Tỉnh Đoàn Thanh Hóa khởi xướng và triển khai, để lại nhiều dấu ấn đậm nét về tinh thần tương thân tương ái. Chương trình đã giúp các gia đình học sinh nghèo có thành tích xuất sắc trong học tập được hỗ trợ xây dựng nhà mới, thay thế nhà tạm bợ, dột nát, qua đó phần nào giúp các em có thêm động lực, yên tâm đến trường.

Một buổi lễ khởi công xây dựng nhà Khăn quàng đỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Một buổi lễ khởi công xây dựng nhà Khăn quàng đỏ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Là một trong những học sinh tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa, nhận được ngôi nhà Khăn quàng đỏ, em Lục Thị Khánh Ly, ở thôn Ná Cà 1, xã Thanh Quân (huyện Như Xuân) đến bây giờ vẫn chưa hết vui mừng và xúc động. Bố Ly mất sớm, để lại hai chị em Ly và người mẹ nghèo tần tảo. 

Nhà nghèo, không công việc ổn định, mẹ Ly phải làm đủ việc để nuôi hai đứa con. Bao năm trời, 3 mẹ con phải sống trong ngôi nhà tranh rách nát, có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào. Từ khi được tặng ngôi nhà từ Chương trình xây nhà "Khăn quàng đỏ" của Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, gia đình Ly đã có nhà kiên cố và an toàn. Ly chia sẻ, 3 mẹ con không còn phải nơm nớp lo sợ mỗi khi trời mưa gió nữa. 

"Nếu không được các tổ chức giúp đỡ, không biết mẹ con em khi nào mới có căn nhà kiên cố để ở. Em cảm ơn chương trình rất nhiều", Ly nói và hứa sẽ học tập thật tốt để xứng đáng với món quà ý nghĩa này.

Tương tự em Ly, Chương trình xây nhà "Khăn quàng đỏ" cũng đã trao tặng nhà cho e Vi Hồng Ơn, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Luận Khê 1, huyện Thường Xuân. Hiện Ơn đang sống cùng gia đình tại thôn Yên Mỹ, xã Luận Khê. 

Là hộ nghèo nhiều năm, sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, Ơn có ông nội là thương binh hạng ¾. Hai bố con Ơn cũng mang di chứng chất độc màu da cam từ ông nội. Hoàn cảnh gia đình cơ cực, nhà 5 miệng ăn mà chỉ có mẹ Ơn là lao động chính, quanh năm nghèo đói, không có đủ khả năng để xây nhà. Khó khăn là vậy, nhưng nữ sinh Vi Hồng Ơn lại có ý thức học tập tốt, liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi qua các năm học.

Biết được hoàn cảnh khó khăn của Ơn, và nhằm động viên em cố gắng học tập, cuối năm 2020, Chương trình xây nhà "Khăn quàng đỏ" đã tài trợ kinh phí, xây giúp gia đình một căn nhà kiên cố. Ngôi nhà được xây dựng là loại nhà cấp 4, lợp tôn, tổng diện tích xây dựng 66m2 bao gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Trong đó, Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện Thường Xuân đã phối hợp với Công ty xi măng Long Sơn hỗ trợ 70 triệu đồng, các bạn đoàn viên trong xã đóng góp ngày công tháo dỡ, san nền khi xây dựng nhà.

Trong buổi bàn giao nhà, nhiều học sinh còn được tặng quà như sách vỏ, xe đạp và học bổng
Trong buổi bàn giao nhà, nhiều học sinh còn được tặng quà như sách vỏ, xe đạp và học bổng

Theo báo cáo của Tỉnh đoàn Thanh Hóa, sau 4 năm triển khai, đến nay Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã tổ chức xây dựng hơn 80 ngôi nhà "Khăn quàng đỏ" cho học sinh nghèo, với tổng kinh phí hơn 4 tỉ đồng thông qua kêu gọi quyên góp. Riêng năm 2020, toàn tỉnh đã có 28 căn nhà được thực hiện từ Chương trình này.

Anh Nguyễn Hữu Tuất, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, cho biết: Với mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ngôi nhà, kinh phí thực hiện bằng nguồn kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đoàn viên thanh niên địa phương, nguồn lực từ gia đình học sinh nghèo, chính quyền địa phương và đóng góp ngày công của đoàn viên để xây dựng mỗi nhà có trị giá từ 80 - 120 triệu đồng.

Để thực hiện đúng đối tượng, các Huyện đoàn chỉ đạo đoàn xã rà soát, chụp hình ảnh, lấy thông tin, sau đó gửi cho Tỉnh đoàn xem xét, khảo sát và hỗ trợ xây. Tiêu chí để xét hỗ trợ là học sinh học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, có bố hoặc mẹ mất sức lao động, nhiệt tình tham gia công tác Đội... Chương trình sẽ hỗ trợ mỗi gia đình xây dựng hoàn thiện 1 ngôi nhà 3 gian, trị giá khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, Huyện Đoàn, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ thêm ngày công.

Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...