Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

ADB tài trợ 60 triệu USD cải thiện cơ sở hạ tầng cho vùng khó khăn

PV - 16:13, 26/08/2021

Dự kiến khoảng 243.000 người, trong đó có 126.300 người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số của tỉnh Bình Định và Quảng Nam sẽ được hưởng lợi từ dự án do ADB tài trợ

Làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới tại cộng đồng dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới tại cộng đồng dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa phê duyệt khoản vay trị giá 58 triệu USD để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ là Bình Định và Quảng Nam, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, ADB cũng viện trợ không hoàn lại 2 triệu USD từ Quỹ Công nghệ cấp cao của ADB. Khoản viện trợ không hoàn lại sẽ tài trợ cho việc cung cấp và lắp đặt các hệ thống dữ liệu để quản lý rủi ro khí hậu. Dự án cũng được Chính phủ Việt Nam tài trợ 21,73 triệu USD.

Theo nhận định của ADB, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% mỗi năm từ 2016 tới 2018 nhưng đã chậm lại ở mức 2,9% trong năm 2020 do đại dịch COVID-19. Có khoảng cách đáng kể giữa các cộng đồng ven biển bùng nổ kinh tế và khu vực miền núi nằm sâu trong đất liền, nơi có đông người dân tộc thiểu số. Đơn cử như khoảng 87% số hộ gia đình dân tộc thiểu số ở Bình Định và 55% các hộ dân tộc thiểu số ở Quảng Nam là hộ nghèo và cận nghèo, so với tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh này lần lượt là 5,5% và 10,3%.

Những khu vực này đang đối mặt với thách thức do cơ sở hạ tầng nguồn nước và giao thông bị phân tán và có chất lượng thấp. Hầu hết các cộng đồng dân tộc thiểu số đều bị cô lập trong mùa mưa, bị chia cắt bởi các tuyến đường ngập lụt nằm trên địa hình đồi núi. Dưới 60% các hộ gia đình trong khu vực dự án được sử dụng nguồn nước sạch và an toàn. Việc tiếp cận nước hạn chế và điều kiện vệ sinh kém đã dẫn tới tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường nước và tỷ lệ nghèo khổ cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ cao về thiên tai và biến đổi khí hậu. Ước tính mỗi năm Việt Nam tổn thất trung bình 2,37 tỷ USD do thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, trong đó Bình Định và Quảng Nam nằm trong số những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Vì vậy, Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 1 này sẽ nâng cấp 121,8km đường theo các tiêu chuẩn thiết kế chống chịu khí hậu, xây dựng 115km đường ống cấp nước và giúp cung cấp dữ liệu đáng tin cậy về thời tiết và khí hậu một cách kịp thời và hiệu quả về chi phí. Dự kiến khoảng 243.000 người, trong đó có 126.300 người dân thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, sẽ được hưởng lợi từ dự án.

Bà Nguyễn Hồng Anh, cán bộ chương trình của ADB chia sẻ: “Dự án nhằm mục tiêu cải thiện điều kiện sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của Việt Nam. Dự án sẽ liên kết tốt hơn các địa điểm sản xuất ở nông thôn, vùng sâu xa với các thị trường và cơ sở chế biến cây trồng như keo và tăng cường khả năng tiếp cận của người hưởng lợi với các dịch vụ y tế, giáo dục và thị trường. Dự án cũng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận nguồn cấp nước sạch và tưới tiêu.”

Trong những năm qua ADB thường xuyên tài trợ cho Việt Nam để cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế… Mới đây, ngân hàng này đã thu xếp một khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD với Công ty cổ phần Điện gió Liên Lập (Liên Lập), Công ty cổ phần Điện gió Phong Huy (Phong Huy) và Công ty cổ phần Điện gió Phong Nguyên (Phong Nguyên) để xây dựng và vận hành ba trang trại điện gió công suất 48MW, tổng công suất 144MW, tại tỉnh Quảng Trị. Dự án này sẽ làm tăng công suất điện gió của Việt Nam thêm 30%, giúp đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang gia tăng nhanh chóng.

Ngoài ra, ADB cũng tài trợ 186 triệu USD để xây dựng và vận hành nhà máy điện Mặt Trời có công suất 257 MW tại Hòa Hội, tỉnh Phú Yên. Đây là khoản vay được chứng nhận xanh đầu tiên của Việt Nam. Khoản tài trợ này bao gồm khoản vay trị giá 27,9 triệu USD từ nguồn vốn của ADB; một khoản vay hợp vốn (khoản vay loại B) trị giá 148 triệu từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với ADB là bên cho vay chính thức và một khoản vay trị giá 9,3 triệu USD từ nguồn vốn của Quỹ cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân Leading Asia (LEAP)./.