Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

70 năm giải phóng Vùng mỏ: Gặp nhân chứng một thời hoa lửa

Mỹ Dung - 7 giờ trước

Tròn 70 năm trước, ngày 25/4/1955, Vùng mỏ Quảng Ninh được giải phóng và trở thành dấu mốc thiêng liêng trong hành trình giành độc lập dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho vùng đất phên dậu Đông Bắc. Nhằm ngược dòng ký ức về thời khắc lịch sử ấy, chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thung – người lính từng trực tiếp tham gia tiếp quản Vùng mỏ, nhân chứng sống của một thời hoa lửa không thể nào quên.

Các cánh quân tiến vào tiếp quản Vùng mỏ, Nhân dân ùa ra chào đón (Ảnh tư liệu)
Các cánh quân tiến vào tiếp quản Vùng mỏ, Nhân dân ùa ra chào đón (Ảnh tư liệu)

Trong căn nhà nhỏ giản dị giữa lòng thành phố Hạ Long, cụ Nguyễn Ngọc Thung (sinh năm 1933) đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trong đôi mắt, nét mặt vẫn ánh lên khi nhắc đến ngày trở về Vùng mỏ. 76 năm đứng trong hàng ngũ Đảng, cả cuộc đời gắn bó với cách mạng, cụ như một cuốn biên niên sử sống động, lưu giữ trọn vẹn những ký ức không thể phai mờ của một thời hoa lửa. 

“Năm ấy tôi mới ngoài đôi mươi, là chiến sĩ Tỉnh đội Quảng Yên. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, quân Pháp buộc phải rút khỏi miền Bắc, Vùng mỏ cũng chuẩn bị ngày giải phóng”, cụ bắt đầu câu chuyện bằng giọng trầm ấm, đầy xúc động.

Từ Chí Linh (Hải Dương), đơn vị của ông hành quân qua Đình Lập (Lạng Sơn), rồi xuôi xuống Tiên Yên (Quảng Ninh), nhận nhiệm vụ tiếp quản cảng Vạn Hoa – cánh cửa mở ra cho lực lượng cách mạng vào Vùng mỏ. Tháng Tư năm ấy, Trung đoàn 244 được thành lập, tập hợp những chiến sĩ tinh nhuệ từ các chiến trường phía Bắc, mang theo niềm tin và quyết tâm bảo vệ, dựng xây mảnh đất mới vừa được giải phóng.

“Đêm 19, rạng sáng 20/4, đơn vị tôi vượt Mông Dương, tiến vào trung tâm thị xã Cẩm Phả, Cửa Ông, Cọc Sáu, Đèo Nai, rồi Quang Hanh – từng bước chân thận trọng, từng ánh mắt quan sát căng thẳng. Khi chúng tôi đứng từ trên cao nhìn xuống TX Cẩm Phả rực ánh đèn điện, ai cũng nghẹn ngào. Vui sướng vì sắp được nhìn thấy ánh bình minh độc lập, nhưng cũng lo lắng không kém bởi địch đã gieo rắc đủ lời đồn thất thiệt về Việt Minh”, cụ Thung nhớ lại.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thung hào hứng trong câu chuyện kể của mình khi ông cùng đồng đội về tiếp quản Vùng mỏ
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thung hào hứng trong câu chuyện kể của mình khi ông cùng đồng đội về tiếp quản Vùng mỏ

Cụ Thung hồi tưởng lại khoảnh khắc bước vào trung tâm Hòn Gai, kể như vừa mới xảy ra, Đoàn đi qua con đường vắng vẻ, không một bóng người. Mọi thứ tĩnh lặng đến lạ, nhưng chỉ trong giây lát, khi tàu Pháp rút đi, dân chúng đổ ra như sóng, cờ đỏ sao vàng tung bay, reo vang: “Việt Minh về rồi!”. Cả bến, cả thuyền đều phủ đầy cờ, hoa tươi rực rỡ. Lần đầu tiên, tiếng loa phát thanh vang lên, bài hát cách mạng hòa cùng nhịp tim người lính cùng Nhân dân.

Không chỉ là người lính nơi tuyến đầu, cụ Thung còn chứng kiến và tham gia vào công cuộc khôi phục sau ngày tiếp quản. Trong bối cảnh thiếu thốn thiết bị và vật tư, nhưng tinh thần người thợ mỏ lại dâng cao vô cùng. Họ làm việc “bằng năm, bằng mười”, đóng góp sức lực phục hồi sản xuất, xây dựng lại hệ thống đường trục, đưa những tấn than đầu tiên lên khỏi lòng đất, tiếp thêm sức mạnh cho chiến trường miền Nam trong cuộc chiến chống Mỹ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 1960, Trung đoàn 244 giải thể. Ông Nguyễn Ngọc Thung rời quân ngũ, chuyển sang làm công tác tuyên huấn từ Ban Tuyên giáo Khu ủy Hồng Quảng đến Đài Phát thanh truyền hình Quảng Ninh. Dù ở đâu, ông cũng luôn giữ vững tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” cốt cách của người Vùng mỏ năm xưa.

Bộ đội ta tiến vào tiếp quản vùng mỏ ngày 25/4/1955 (Ảnh Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp)
Bộ đội ta tiến vào tiếp quản vùng mỏ ngày 25/4/1955 (Ảnh Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp)

Giữa tháng Tư lịch sử này, cụ Thung không thể giấu nổi niềm tự hào, ánh mắt như sáng lên khi nhớ về vùng đất mình từng đặt chân vào trong đêm tối 70 năm trước. Quảng Ninh hôm nay, với những khu công nghiệp sôi động và là một cực tăng trưởng phía Bắc, đã đổi thay mạnh mẽ, nhưng trong ký ức người lính già, Vùng mỏ vẫn mãi là mảnh đất “đỏ lửa” đầu tiên thắp sáng niềm tin vào độc lập tự do, là vùng quê với truyền thống cách mạng sâu sắc và nghĩa tình nồng ấm không bao giờ phai mờ.

“Tôi luôn mong thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân quý quá khứ, để từ đó viết tiếp những bản tráng ca thời đại mới. Bởi tự do hôm nay, được đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi của biết bao người”, cụ dặn dò.

70 năm đã trôi qua kể từ ngày Vùng mỏ Quảng Ninh được giải phóng, nhưng những ký ức về thời kỳ cách mạng vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người. Từ một mảnh đất đầy thử thách, Vùng mỏ đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, sự kiên cường và tinh thần đoàn kết.

 Ngày nay, khi Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, những lời dặn dò của người lính năm xưa vẫn vang vọng, nhắc nhở chúng ta trân trọng và gìn giữ những giá trị tự do, độc lập mà bao thế hệ đã đánh đổi. Câu chuyện của cụ Nguyễn Ngọc Thung chính là tấm gương sống động của tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", góp phần viết nên những trang sử hào hùng cho đất nước hôm nay và mai sau.

Tin cùng chuyên mục
Trà Vinh: Đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và công bố hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào dịp 30/4

Trà Vinh: Đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và công bố hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào dịp 30/4

Chiều 24/4, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Họp báo nhằm thông tin đến báo chí và người dân về chuỗi hoạt động kỷ niệm các sự kiện trọng đại: 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); 65 năm kết nghĩa giữa hai tỉnh Trà Vinh và Thái Bình; đồng thời công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, là tỉnh vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.