Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

7 tháng đầu năm cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH

Hồng Phúc - 20:55, 08/08/2023

Trong thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông. Nhờ đó, các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) được triển khai chuyên nghiệp, bài bản và nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.


7 tháng đầu năm cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại hội nghị

Thông tin trên được Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết tại Hội nghị tập huấn kiến thức về BHXH, BHYT cho nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023, diễn ra từ ngày 8-9/8/2023 tại tỉnh Quảng Nam. Đây là lần thứ 6 BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị này cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên chuyên trách BHXH, BHYT (tính từ năm 2016 đến nay).

Đa dạng hình thức truyền thông chính sách phù hợp với thực tiễn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, những năm qua, BHXH Việt Nam luôn xác định công tác thông tin truyền thông, trong đó có công tác phối hợp truyền thông chính sách với các cơ quan thông tấn, báo chí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, góp phần đưa các chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống.

Theo đó, toàn ngành BHXH Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quyết định số 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động truyền thông được triển khai chuyên nghiệp, bài bản và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cấp chính quyền và cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương...

Đánh giá cao hiệu quả của công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí đối với ngành BHXH Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho biết, thời gian qua, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cũng như các hoạt động của Ngành luôn được báo chí phản ánh kịp thời, đa chiều, góp phần quan trọng vào việc định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia từ phía người dân, người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp.

BHXH Việt Nam cũng luôn chủ động cung cấp thông tin và tạo điều kiện để các nhà báo, phóng viên tiếp cận, nắm bắt thông tin, nhất là khi có sự kiện hay vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, thông qua nhiều kênh như hội nghị cung cấp thông tin định kỳ, thông tin báo chí, các chương trình tác nghiệp thực tế cho phóng viên tại cơ sở.

Kết quả, số lượng tin, bài, phóng sự, chương trình… về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải/phát sóng ngày càng tăng. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022 có hơn 26.300 tin, bài, phóng sự… trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng 7 tháng đầu năm 2023 đã có trên 18.000 tin, bài, phóng sự, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có rất nhiều bài báo, phóng sự về BHXH, BHYT, BHTN được phản ánh chân thực, sinh động về những khó khăn trở ngại, những cách làm hay, những điển hình tốt cũng như những tâm tư, nguyện vọng của NLĐ nói riêng và của Nhân dân nói chung...

Số người tham gia và thụ hưởng “lưới an sinh” ngày càng được mở rộng

Thông tin về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được mở rộng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, ước tính hết tháng 7/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, tăng 3,64% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: BHXH bắt buộc với hơn 16 triệu người; BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người; BHTN 14,3 triệu người; BHYT 91,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ gần 92% dân số.

Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Hằng năm, ngành BHXH Việt Nam thực hiện chi trả các chế độ BHXH cho khoảng trên 10 triệu NLĐ; trên 170 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT. Trong 7 tháng đầu năm 2023, ngành BHXH Việt Nam ước chi BHXH, BHTN, BHYT với số tiền là 245.218 tỷ đồng, tăng 13,28% so với cùng kỳ năm 2022.

7 tháng đầu năm cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH 1
Quang cảnh hội nghị

Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được ngành BHXH Việt Nam chú trọng thực hiện, đáp ứng sự hài lòng, yên tâm, tin tưởng của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách.

Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho rằng, báo chí góp phần tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đây là kênh hữu hiệu để tiếp nhận những thông tin phản hồi của người dân, NLĐ, doanh nghiệp… về bất cập trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

“Qua báo chí đã giúp truyền cảm hứng, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; vận động, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trao tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho những người yếu thế, khó khăn được tham gia BHXH, BHYT vì mục tiêu mọi người dân đều có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”, ông Đào Việt Ánh nói.

Tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT cần tiếp tục được đổi mới, thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu để tích cực, chủ động tham gia BHXH, BHYT, BHTN.Việc này giúp tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần hoàn thành sớm mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Trình bày một số quy định mới liên quan việc thực hiện chính sách BHYT, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, thời gian qua, cấp có thẩm quyền đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về BHYT như: Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Thông tư số 14/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư số 15/2023/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần và chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn...

7 tháng đầu năm cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH 2
Ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh các chính sách trên, Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 19/2022/TT-BYT quy định về nội dung, nguyên tắc, cách tính định mức kinh tế kỹ thuật của dịch vụ ngày - giường và kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh. Ông Lê Văn Phúc cho biết, Thông tư số 19/2022/TT-BYT quy định rõ về định mức kinh tế kỹ thuật đến giá dịch vụ về lao động trực tiếp; thuốc, vật tư y tế; trang thiết bị; chi phí tiền lương; chi phí khấu hao…

Về công tác phối hợp xử lý vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, ông Lê Văn Phúc cho hay, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong thanh toán tiền giường, dịch vụ kỹ thuật; thanh toán thuốc mua sắm theo Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thanh toán tiền giường, dịch vụ kỹ thuật.

Nêu thực trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT trong thời gian qua, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến (BHXH Việt Nam) chia sẻ, trong những năm gần đây và 6 tháng đầu năm 2023, việc lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT diễn ra khá phổ biến khi vẫn còn tình trạng sử dụng mượn thẻ BHYT khám nhiều lần; số lượt chỉ định nằm viện với các bệnh có thể điều trị ngoại trú còn nhiều; nhiều địa phương thay đổi cơ cấu chi bất thường…

Để khắc phục tình trạng trên, ông Dương Tuấn Đức cho rằng, cần xem xét nghiên cứu, xây dựng sửa đổi pháp luật về BHYT theo hướng chi trả theo hiệu suất đầu ra có kiểm soát về khoán tổng ngân sách kết hợp với thanh toán theo nhóm chẩn đoán, định suất; kiểm soát chuyển tuyến, thông tuyến.

Một giải pháp khác là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tuân thủ quy trình, quy chế chuyên môn; Mở rộng đấu thầu tập trung, đàm phán giá thuốc/vật tư y tế, tiến tới áp dụng mua sắm theo giá trần; quản lý khám chữa bệnh theo xác thực điện tử…

Tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh mong muốn, trong thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều chia sẻ, đóng góp của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên về các vấn đề liên quan BHXH, BHYT. Từ đó, Ngành có thêm thông tin hữu ích, phục vụ cho công tác tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH, BHYT và tổ chức, thực hiện chính sách hiệu quả.

“BHXH Việt Nam hy vọng, sẽ nhận được sự đồng hành và ủng hộ tích cực hơn nữa của các cơ quan báo chí, đặc biệt là các nhà báo, phóng viên, biên tập viên để thực hiện ngày càng tốt hơn mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội”, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh đề nghị.