Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

"5 địa phương - Một điểm đến" quảng bá "Miền di sản diệu kỳ"

PV - 22:30, 05/08/2022

Chiều 5/8, tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, 5 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam liên kết tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tại khu vực Tây Nguyên.

5 địa phương miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên ký kết thỏa thuận hợp tác
5 địa phương miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên ký kết thỏa thuận hợp tác

Hội nghị này nhằm quảng bá hình ảnh "Miền di sản diệu kỳ", giới thiệu các sản phẩm du lịch và chương trình kích cầu của của 5 địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam đến các công ty du lịch, lữ hành khu vực Tây Nguyên.

Hội nghị đồng thời thúc đẩy sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 5 địa phương miền Trung và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường kết nối giữa 2 khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước.

Tại Hội nghị, ngành Du lịch 5 tỉnh, thành đã giới thiệu về du lịch của các địa phương, trao đổi thảo luận về việc phát triển sản phẩm du lịch kết nối giữa các địa phương miền Trung và vùng Tây Nguyên cho khách du lịch nội địa và quốc tế; đồng thời ký kết Thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giữa 5 địa phương miền Trung gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam với các tỉnh khu vực Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, giai đoạn 2022 - 2026.

Thỏa thuận hợp tác là cơ sở quan trọng để các tỉnh liên kết, hợp tác trong khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, xây dựng sản phẩm, thương hiệu hấp dẫn khách du lịch, tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; thu hút các nguồn lực xã hội, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch và nhân dân các tỉnh, thành trong chương trình liên kết tìm kiếm đối tác để xây dựng, khai thác và phát triển sản phẩm du lịch. Việc hợp tác tập trung vào 3 lĩnh vực chính gồm: công tác quản lý nhà nước về du lịch; hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch; hợp tác về quảng bá, xúc tiến du lịch.

Khu vực Tây Nguyên có nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng to lớn có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước. Đây cũng là thị trường trọng điểm của các 5 địa phương miền Trung trong nhiều năm qua.

Ông Hoàng Phước Nhật, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, với các gói kích cầu du lịch và những sản phẩm độc đáo của các địa phương miền Trung giới thiệu tại hội nghị lần này hy vọng sẽ mang lại cho du khách nhiều cảm nhận, trải nghiệm thú vị đầy ngạc nhiên khi đến tham quan, du lịch "Miền di sản diệu kỳ"; trong đó Quảng Bình với thiên nhiên diệu kỳ, Đà Nẵng với thiên đường nghỉ dưỡng biển, Huế với miền di sản văn hóa, Quảng Nam di sản gắn với vui chơi giải trí và Quảng Trị là miền lịch sử cách mạng.

5 tỉnh, thành phố miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam nằm trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á (do Lonely Planet vinh danh năm 2019), là một hành trình không thể thiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Với xu thế du lịch xanh, du lịch thiên nhiên hậu Covid-19, "Miền di sản diệu kỳ" sẽ tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu, điểm phải đến của khách du lịch và hứa hẹn sẽ phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.