Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

135 năm Ngày Quốc tế lao động 1/5: Cải thiện điều kiện làm việc, vì sức khỏe người lao động

PV - 09:54, 01/05/2021

An toàn vệ sinh lao động là một trong những vấn đề quan trọng được cả hệ thống chính trị, Nhân dân quan tâm.

An toàn vệ sinh lao động là một trong những vấn đề quan trọng được cả hệ thống chính trị, Nhân dân quan tâm. Ảnh minh họa: Phương Hoa/TTXVN
An toàn vệ sinh lao động là một trong những vấn đề quan trọng được cả hệ thống chính trị, Nhân dân quan tâm. Ảnh minh họa: Phương Hoa/TTXVN

Quá trình hội nhập kinh tế đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với số lượng công nhân ngày càng nhiều. An toàn vệ sinh lao động là một trong những vấn đề quan trọng được cả hệ thống chính trị, Nhân dân quan tâm. Việc tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tai nạn lao động, bảo vệ người dân đang trở thành mục tiêu của nhiều doanh nghiệp, các cơ quan chức năng và tổ chức Công đoàn. 

Vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong lao động

Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, so với năm 2019, tình hình tai nạn lao động năm 2020 dẫn đến chết người giảm 0,87% số vụ (919 vụ, giảm 8 vụ), giảm 1,34% số người chết (13 người); giảm 31,53% số vụ tai nạn lao động có từ 2 người bị nạn trở lên (35 vụ). Đây là năm thứ 2 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm. Tuy nhiên, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2020, toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động, làm 8.610 người bị nạn.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh Trần Danh Chức cho rằng, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng một bộ phận người lao động còn chưa tốt. Việc tổ chức rút kinh nghiệm và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động ở một số đơn vị chưa được thực hiện một cách quyết liệt, nghiêm túc, một số quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn có bất cập, chưa cụ thể nên việc thực hiện có vướng mắc.

Ông Chức cho biết, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh là đơn vị duy nhất trong 63 tỉnh, thành có mô hình Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động. Trung tâm được cấp phép huấn luyện đủ 6 nhóm đối tượng, từ khi thành lập (năm 2016) đến nay, đã tổ chức 210 lớp cho 160 doanh nghiệp, với trên 23.000 đối tượng, thể hiện trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với nhiệm vụ bảo vệ người lao động, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự coi trọng sức khỏe, tính mạng của người lao động, chưa quan tâm tới phát triển bền vững, nên không tham gia tập huấn, không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; chưa chú trọng đầu tư cải thiện điều kiện lao động cho công nhân như máy móc, thiết bị, nhà xưởng còn thô sơ, cũ kỹ, lạc hậu không đảm bảo về quy định an toàn lao động.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn - vệ sinh lao động Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân gốc rễ của thương tích nơi làm việc, bệnh tật và sự cố là không xác định hoặc không nhận ra các mối nguy hiểm hiện diện.

Ông Lê Vân Trình phân tích, sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất và việc phân bố các cơ sở sản xuất thiếu quy hoạch đã đặt ra nhiều vấn đề phức tạp mà Việt Nam đang phải đối mặt. Nhiều khu công nghiệp mới đang trong giai đoạn hình thành và phát triển mạnh mẽ về cả chất và lượng, với sự đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Một số ngành công nghiệp như: dầu khí, vật liệu xây dựng, hóa chất, lắp ráp ô tô, điện tử, dệt - may, đồ gia dụng và chế biến nông- lâm sản- thực phẩm đang là những ngành nhận được ưu tiên đầu tư của Chính phủ và các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những ngành này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động chủ yếu xuất phát từ sự vi phạm pháp luật về an toàn - vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và cả người lao động. Qua các cuộc giám sát, kiểm tra liên ngành, cơ quan chức năng phát hiện và kiến nghị, yêu cầu khắc phục gần 260.000 vi phạm và nguy cơ mất an toàn - vệ sinh lao động, trên 15.000 nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn được rà soát, bổ sung.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm, trước bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang gặp những khó khăn do dịch bệnh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn đang gia tăng hiện hữu, đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở, trong bố trí nguồn lực về nhân sự, tài chính cho triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với khu vực không có quan hệ lao động.

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Vân Trình nhận định, để xác định và đánh giá được các mối nguy hiểm, cán bộ phụ trách an toàn - vệ sinh lao động của công đoàn phải thường xuyên thu thập và xem lại thông tin về các nguy cơ tai nạn hiện diện hoặc có khả năng xảy ra tại nơi làm việc; kiểm tra nơi làm việc để xác định các mối nguy hiểm mới có thể xảy ra hoặc tái diễn, các mối nguy hiểm tiềm ẩn..., từ đó có giải pháp phòng ngừa và kiểm soát các nguy cơ. Người sử dụng lao động cần chú ý thực hiện việc cải thiện điều kiện lao động, quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro. Người lao động cần tích cực tìm hiểu và áp dụng các biện pháp cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc trong doanh nghiệp, hộ gia đình. Các quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động cần tiếp tục được rà soát, cải thiện, tăng tỷ lệ người được giám định bệnh nghề nghiệp.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, trong nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng thực hiện công tác bảo hộ lao động; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho người lao động, mà trước tiên là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của họ. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn - vệ sinh lao động là công tác vô cùng quan trọng của tổ chức công đoàn và cần được tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới.

"Người lao động xứng đáng được hưởng một điều kiện lao động tốt, chứ không phải làm bất kỳ một công việc gì theo yêu cầu của ông chủ. Họ phải được tôn trọng về nhân phẩm và danh dự", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Cũng cho rằng phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt vấn đề an toàn, vệ sinh lao động, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, doanh nghiệp, các cấp, các ngành cần cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động trong xây dựng chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết Đại hội XIII và nghị quyết của các cấp ủy.

Các đơn vị sản xuất phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chủ động và tăng cường sự tham gia của người lao động, đặc biệt là lực lượng an toàn, vệ sinh viên trong kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nhất là trong điều kiện thường xuyên phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; đổi mới hoạt động thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động để lan tỏa trong cộng đồng; tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động; hoàn thiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đến các đối tượng lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật, nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động.../.