Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

1010 năm Thăng Long - Hà Nội: Tỏa rạng hào khí rồng bay

PV - 15:17, 10/10/2020

1. Năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay), đổi tên thành Thăng Long với khát vọng về một vận nước bền lâu, quốc gia thịnh vượng, phồn vinh, trăm dân, muôn họ được an hưởng thái bình, hạnh phúc. Quyết định lịch sử, với tầm nhìn xa, trông rộng của một bậc minh vương kiệt xuất đã mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt.

Thành phố Hà Nội đã khai thác các giá trị, nguồn lực to lớn để phát triển mạnh mẽ lên một tầm vóc mới, với thế và lực mới. Ảnh: Nhật Nam
Thành phố Hà Nội đã khai thác các giá trị, nguồn lực to lớn để phát triển mạnh mẽ lên một tầm vóc mới, với thế và lực mới. Ảnh: Nhật Nam

Dòng chảy 1010 năm Thăng Long - Hà Nội đã tích bồi nền văn hiến Việt Nam rực rỡ, kết tinh và lan tỏa các tinh hoa văn hóa dân tộc; là đỉnh cao chói lọi của khí chất anh hùng, của tinh thần hòa bình, hữu nghị.

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình, Việt Nam chưa từng khuất phục trước bất cứ thế lực ngoại xâm nào, dù mạnh hơn ta rất nhiều. Khí phách và sức mạnh Việt Nam được soi chiếu rực rỡ qua 3 lần nhà Trần giương cao hào khí Đông A, đánh bại đạo quân Mông Nguyên hung hãn; và dưới thời đại Hồ Chí Minh, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, dân tộc ta đã chiến thắng những thế lực xâm lược hùng mạnh nhất thế giới. Sử sách còn mãi ghi những địa danh đã trở thành huyền thoại: Bạch Đằng, Đông Bộ Đầu, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Chi Lăng, Ngọc Hồi - Đống Đa, "Điện Biên Phủ trên không"…

Bao trùm và xuyên suốt là phẩm cách yêu chuộng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, tinh thần hòa hiếu của dân tộc Việt Nam. Dù chiến thắng huy hoàng, oanh liệt, dân tộc ta vẫn luôn đặt hòa khí làm trọng; lấy tinh thần nhân ái, hòa bình, hữu nghị, hợp tác làm phương châm xử thế.

Đức Thái tổ Lê Lợi, vị vua gắn với huyền thoại trả lại gươm thần sau khi đánh tan quân Minh xâm lược từng nói: “Ta cất quân đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược”. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân, đế quốc xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi hạ quyết tâm “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta phải chiến đấu quét sạch nó đi” và luôn chỉ đạo “vừa đánh, vừa đàm”, tạo điều kiện cho đối phương kết thúc cuộc chiến trong danh dự, mà nổi bật là Hiệp định Genève (năm 1954) và Hiệp định Paris (năm 1973). Đó mãi mãi là những hình tượng sống động về tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Thăng Long - Hà Nội và cũng là của người Việt Nam: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

Nhìn lại tiến trình lịch sử, chúng ta càng thấu hiểu sâu sắc truyền thống Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị đã và luôn là giá trị văn hóa cốt lõi, mang tính dẫn dắt, giúp Thăng Long - Hà Nội trường tồn và phát triển rực rỡ. Cội nguồn làm nên 4 giá trị đó không gì khác hơn chính là lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại dưới sự chỉ huy tập trung sáng suốt.

Chiếu dời đô năm 1010, trên thuận ý trời, dưới thuận lòng dân khép lại với câu kết hướng về người dân để lắng nghe ý kiến: “Các khanh nghĩ thế nào”. Ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bố cáo cùng toàn thế giới về một nước Việt Nam “có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần hỏi Đồng bào: “Tôi nói, Đồng bào có nghe rõ không?”. Sự trùng hợp lịch sử đã minh chứng sống động tinh thần lắng nghe nhân dân, tôn trọng nhân dân - một đặc sắc trong nghệ thuật “trị quốc” của Việt Nam.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tham quan các sản phẩm công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Viết Thành
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tham quan các sản phẩm công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Viết Thành

2. Vừa là thiên duyên, mà cũng là tất yếu, di sản kiến trúc Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (bao gồm Khu Thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngay trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Và trước cột mốc 1010 năm, Hà Nội cùng 65 thành phố khác trên thế giới tiếp tục được UNESCO vinh danh là “Thành phố sáng tạo” năm 2019.

Hơn 10 năm qua, sau khi mở rộng địa giới hành chính, qua hai kỳ đại hội Đảng bộ thành phố, truyền thống: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị luôn là nền tảng tinh thần để Hà Nội ra các quyết sách phát triển và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tất cả vì sự phát triển của Tổ quốc, vì hạnh phúc Nhân dân.

Công cuộc mở rộng Hà Nội chứng minh tính đúng đắn của một quyết định mang tầm thời đại, giúp Hà Nội khai thác các giá trị, nguồn lực to lớn để phát triển mạnh mẽ lên một tầm vóc mới, với thế và lực mới. Nền văn hóa Thăng Long - Hà Nội được kết hợp nhuần nhị với văn hóa xứ Đông, xứ Đoài, gắn bó và bổ trợ cho nhau, tạo thêm sức mạnh mềm bổ sung nhiều sinh lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn.

Minh chứng rõ nhất là cả 16/16 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã được hoàn thành, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt và cán đích kế hoạch sớm 2 năm: Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (đến cuối năm 2020 ước có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%), tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia (đạt 75%), đến cuối năm 2020 về cơ bản thành phố không còn hộ nghèo, trong khi mục tiêu đặt ra cho nhiệm kỳ là dưới 1,2%.

Hà Nội ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD trong năm nay, tăng 1,5 lần so với năm 2015 và gấp 1,8 lần bình quân của cả nước.

Đồng thời với tăng trưởng kinh tế, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở Thủ đô luôn được bảo đảm; hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt kết quả quan trọng; quan hệ hợp tác với các địa phương trong cả nước được mở rộng đúng với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”; quan hệ đối ngoại tạo nhiều dấu ấn quan trọng, nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới.

Những giá trị văn hóa nguồn cội cùng các giá trị văn hóa của thời đại mới tiếp tục được bồi đắp và tỏa sáng. Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại di tích và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Các không gian văn hóa mới được bổ sung: Phố đi bộ, phố bích họa, phố sách… Những yếu tố này đang là nền tảng vững vàng để Hà Nội triển khai mạnh mẽ các hoạt động bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa, làng nghề, tạo lập các không gian sáng tạo để nuôi dưỡng các tài năng trẻ, lan tỏa danh hiệu “Thành phố sáng tạo” vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của Thủ đô, để văn hóa thực sự là động lực quan trọng cho đổi mới, sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh.

Với phương châm vì người dân phục vụ, thành phố đã tích cực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Năm 2019, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Hà Nội đứng thứ 2 trong các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 7 bậc so với năm 2015), đạt 84,64%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng tăng 15 bậc lên vị trí thứ 9. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Khu công nghệ cao Hòa Lạc cơ bản đã thành hình, hệ sinh thái của một khu công nghiệp công nghệ cao với chuỗi sản xuất đồng bộ để đưa ra các sản phẩm “Make in Việt Nam”.

Thành phố đã và đang hiện thực hóa tầm nhìn về một Hà Nội xanh với “rừng trong phố” khi cán đích trước hạn 2 năm chương trình trồng 1 triệu cây xanh, tiếp tục trồng thêm 600.000 cây trong giai đoạn 2 năm 2019-2020. Hà Nội thêm sáng - xanh - sạch - đẹp từ phố phường đến làng quê với sự chung tay của cộng đồng qua những phong trào “đường có hoa, nhà có số, phố có tên”, những bức tường, bốt điện “nở hoa”, ngõ bích họa, vườn tái chế…

Mạch nguồn của vùng đất “hội thủy, hội nhân và hội tụ văn hóa” vô cùng phong phú và đa dạng cùng sức bật của thời đại với tư duy phát triển năng động, sáng tạo đã đưa Hà Nội trở thành một trong 10 điểm đến an toàn và hấp dẫn nhất thế giới. Hà Nội chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như hôm nay. Thành phố đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới. Giá trị Thành phố Vì hòa bình, biểu tượng của một Thủ đô đi qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiếp tục được ghi dấu ấn khi năm 2019, Hà Nội được chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai.

Âm hưởng của hòa bình, hữu nghị lan tỏa tự nhiên trên mảnh đất này khi du khách tới đây, không chỉ người bình thường, mà cả nguyên thủ các quốc gia hàng đầu thế giới, các nhà ngoại giao, chính khách lớn… đều có thể thong thả chạy bộ qua những ngõ nhỏ, phố nhỏ; ghé một cửa tiệm bình dân để mua vài món đồ lưu niệm ở khu phố cổ; hay thư thái ngồi vỉa hè thưởng thức tách cà phê phin, món bún chả dân dã… giữa nhịp sống thanh bình, thân thiện.

Không có nhiều thành phố có lịch sử nghìn năm tuổi như Hà Nội trên thế giới này. Theo thống kê, thế giới có 29 thành phố nghìn năm tuổi, trong đó Hà Nội là thành phố trẻ nhất đứng bên cạnh các thủ đô tên tuổi khác như Paris (Pháp), Rome (Italia), London (Anh), Athens (Hy Lạp). Nhưng sức hút của Hà Nội thì không hề trộn lẫn với bất cứ thành phố nào.

3. Thăng Long - Hà Nội đón chào dấu mốc của một kinh đô 1010 năm tuổi vào thời khắc cũng thật đặc biệt - tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nêu chủ đề bao quát: “Gương mẫu xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”. Những giá trị truyền thống Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị được tiếp nối bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo để Hà Nội hòa nhịp với sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mục tiêu của Hà Nội từ nay đến năm 2025 là phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân đầu người đạt từ 8.300 đến 8.500 USD. Đây là một mục tiêu lớn và khó, đòi hỏi quyết tâm rất cao trong thực hiện, đòi hỏi cách làm mới, sáng tạo. Chính vì vậy, thành phố đã xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và chọn 3 khâu đột phá về kết cấu hạ tầng; thể chế, cơ chế, chính sách; văn hóa và nguồn nhân lực.

Khơi dậy nguồn nội lực và khả năng hội nhập, tiếp tục khẳng định tầm vóc và vị thế mới của Thủ đô, Hà Nội xác định, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng người Hà Nội phải thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật, kỷ cương, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển. Đây chính là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô, thành trung tâm đổi mới, sáng tạo của cả nước, tiến tới là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á trên một số lĩnh vực, thực sự là Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tại cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 19-9-2020 về công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch… Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam, phát triển kinh tế nhưng phải có văn hóa, có quy hoạch. Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về mọi phương diện.

Để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang và trọng trách nặng nề đó, Đảng bộ Hà Nội tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; tính gương mẫu, trách nhiệm, bản lĩnh của cán bộ, công chức, người lao động trong thực thi công vụ; hết lòng chăm lo đời sống nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân trong các công việc của thành phố.

Tự hào về Thủ đô Anh hùng - Danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tặng cho Thăng Long - Hà Nội, hiểu sâu sắc cội nguồn lịch sử 1010 năm với các giá trị cốt lõi: Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình, Hữu nghị, Sáng tạo chính là động lực lớn nhất để nhân lên niềm tin, để mỗi người dân Hà Nội tiếp tục chung tay cho mục tiêu cao hơn, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô sáng tạo của Đông Nam Á, góp phần cùng cả nước hoàn thành khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hoàn thành di nguyện của Bác Hồ kính yêu: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

1010 năm Thăng Long - Hà Nội - đỉnh mốc mới đang mở ra cho Thủ đô ta tương lai tươi sáng, một tầm vóc mới, cao hơn, bề thế hơn, vững chãi hơn dưới ánh sáng của thời đại Hồ Chí Minh, đang thôi thúc Thủ đô tiếp tục tỏa rạng những niềm tự hào mới.

VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy,
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội